Giảm đáng kể số ca mắc bệnh và tử vong do các hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất

Tin tức - Sự kiện 09/09/2020

Nhiệm vụ gồm: Thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, kiểm soát việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và quy định của pháp luật về kiểm soát xả thải các hóa chất độc hại gây ô nhiễm không khí, đất và nước; Tăng cường thực thi pháp luật, kiểm, tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước.
Về phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường

Trong năm 2019, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng Dự thảo Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trong đó đã xác định 16 loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Bộ TN&MT đã thực hiện quan trắc trực tuyến, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở lớn như Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh), Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam (Hậu Giang),…  Ở cấp tỉnh, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện Chương trình điều tra thống kê các nguồn thải có nguy cơ tải lượng lớn, các ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm cao để kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý, đặc biệt đối với các nguồn thải có lưu lượng 50m3 trở lên đổ vào hệ thống sông Sài Gòn, kênh Tẻ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tài Hủ, kênh Tham Lương - Bến Cát, kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Bộ TN&MT đã thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được phê duyệt tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 và Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013. Kết quả thực hiện đến nay, đã có 407/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg được xử lý triệt để, đã có 289/435 cơ sở theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 66,43% (tăng 12,8% so với năm 2018); 146 cơ sở đang thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, trong đó có 113 cơ sở (chiếm 76,9%) thuộc khu vực công ích như bãi rác, cơ sở y tế tuyến huyện do khó khăn về kinh phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải nên sau khi được đầu tư xây dựng song chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng và có nguy cơ tái gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, KCX đã có chuyển biến tích cực với 89% (223/251) KCN, KCX (ngoài khu kinh tế) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Ở các địa phương có nhiều KCN như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh,... tỷ lệ này đều đạt 100%. Năm 2019, tỷ lệ KCN lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục là 87,6% (219/250 KCN), tăng 45,6% so với năm 2018. Nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, lựa chọn những ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.

Về công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được điều chỉnh tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018. Hiện nay, nhiều địa phương đã thúc đẩy thực hiện các chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn như Đồng Tháp (30 chương trình đến tháng 8/2019), Vĩnh Phúc (246 lượt đến ngày 05/8/2019), Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hưng Yên. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng từ 82% (2012) lên 92% (2019), tăng 6% so với năm 2018. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường ở một số địa phương sớm phát triển KCN như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đạt 100%, các nhóm chất thải có thể tái chế như giấy, gỗ, nhựa, kim loại,... đã được tái chế 93%.

Đối với việc kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường không khí trong các đô thị, khu dân cư, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016. Ngoài ra, các nội dung quản lý chất lượng không khí, kiểm soát hoạt động xả thải khí thải công nghiệp đã được quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019. Bộ TN&MT cũng định kỳ rà soát và sửa đổi hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường không khí, quy chuẩn khí thải các lĩnh vực công nghiệp đặc thù, đang triển khai xây dựng Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật đối với cho các địa phương về lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, bên cạnh việc vận hành, duy trì thường xuyên các trạm quan trắc môi trường không khí, Bộ TN&MT đã triển khai việc công bố chất lượng môi trường không khí của thành phố Hà Nội thông qua chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên trang thông tin điện tử và có những khuyến cáo về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tại các địa phương, nhiều dự án, chương trình nhằm giải quyết các vấn đề môi trường không khí tiếp tục được quan tâm thúc đẩy, đồng thời, sự tham gia của cộng đồng trong quá trình đánh giá tác động môi trường của các dự án, nhà máy,... đã góp phần đáng kể trong việc củng cố ý thức của các cơ sở sản xuất trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo đó, kết quả quan trắc môi trường không khí tại một số thành phố lớn trong những năm gần đây cho thấy chất lượng không khí đã được cải thiện rõ rệt. Các thông số môi trường trong không khí (như NOx, SOx, CO...) có giá trị khá thấp, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng không khí xung quanh (theo QCVN 05:2013/BTNMT) và không có nhiều biến động so với những năm trước. Tuy nhiên, nồng độ bụi cục bộ tại một số khu vực trong một số đô thị, đặc biệt tại các khu vực đô thị lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có giá trị hơi vượt QCVN nhưng mức độ ô nhiễm đang có xu hướng giảm dần, thể hiện ở nồng độ bụi mịn PM2.5 và nồng độ tổng bụi lơ lửng (TSP) trung bình năm trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018 có sự dao động nhẹ, giảm hơn so với giai đoạn trước (2013-2015). Nguyên nhân là do hoạt động xây dựng diễn ra phổ biến trong các khu vực nội đô và lượng phương tiện cơ giới tham gia giao thông gia tăng, nhất là vào các khung giờ cao điểm.

Về kiểm soát việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Bộ TN&MT đã ban hành 06 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, bao gồm: (1) QCVN đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu (thay QCVN 31:2010/BTNMT); (2) QCVN đối với phế liệu nhựa nhập khẩu (thay QCVN 32:2010/BTNMT); (3) QCVN đối với phế liệu giấy nhập khẩu (thay QCVN 33:2010/BTNMT); (4) QCVN đối với phế liệu kim loại màu, thủy tinh, xỉ hạt lò cao nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; (5) QCVN về nước thải chăn nuôi (sửa đổi, bổ sung QCVN 62-MT:2016/BTNMT); (6) QCVN về khí thải công nghiệp sản xuất thép (thay QCVN 51:2013/BTNMT); (7) QCVN về nước thải công nghiệp sản xuất thép (thay QCVN 52:2013/BTNMT); (8) QCVN về chất lượng trầm tích (thay QCVN 43:2012/BTNMT). Bộ TN&MT đã ban hành 06 QCKT quốc gia đối với phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng đã xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải theo Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 31/01/2018.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng định kỳ rà soát và sửa đổi hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường không khí, quy chuẩn khí thải các lĩnh vực công nghiệp đặc thù làm cơ sở để đổi mới cải tiến công nghệ sản xuất và thiết bị xử lý khí thải công nghiệp, giảm phát thải khí thải, tăng cường đầu tư quan trắc khí thải tự động, liên tục cũng như hệ thống truyền dẫn dữ liệu về khí thải công nghiệp, kiểm kê khí thải công nghiệp. Ngoài ra, Bộ đang triển khai xây dựng Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật cho các địa phương về lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường

Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được triển khai một cách thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 6/2019, ở cấp Trung ương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với 4.803 cơ sở trên địa bàn các tỉnh, thành phố, xử phạt vi phạm hành chính đối với 2.532 cơ sở với tổng số tiền 399,417 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường có xu hướng giảm trong giai đoạn 2014 - 2018. Cụ thể: năm 2012 là 40,3%, năm 2013 là 52,7%, năm 2014 là 77,4%; năm 2015 là 65,6%; năm 2016 là 40,7%, năm 2017 là 36%, năm 2018 là 36,2% (giảm 2,1 lần so với năm 2014). Ngoài ra, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Riêng năm 2018, Bộ Công an và cảnh sát môi trường địa phương đã phát hiện 24.642 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 27% so với năm 2017). Cụ thể đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đề nghị khởi tố 367 vụ, 639 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 20.969 vụ với số tiền 284 tỷ đồng; đang điều tra 1.618 vụ, 1.429 đối tượng. Nhiều địa phương cũng tổ chức hàng năm hàng trăm cuộc thanh, kiểm tra môi trường. Điển hình như Bình Dương năm 2018 phát hiện và xử lý 351 vụ vi phạm bảo vệ môi trường.