Cải thiện chất lượng nước, kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm...

Tin tức - Sự kiện 11/09/2020

Mục tiêu 6.3: Đến năm 2030, cải thiện chất lượng nước, kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học; 100% nước thải nguy hại được xử lý; giảm một nửa tỷ lệ nước thải đô thị chưa qua xử lý; tăng cường tái sử dụng nước an toàn.

 

Nhiệm vụ 6.3b: Tích cực kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm môi trường, áp dụng các chế tài mạnh mẽ nhằm xử lý các trường hợp vi phạm; Áp dụng chế độ quan trắc tự động, liên tục và giám sát chặt chẽ nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện; Xã hội hóa đầu tư thực hiện các chương trình, dự án cải tạo, phục hồi hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư, đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; - Tăng cường hợp tác quốc tế về xây dựng năng lực trong các lĩnh vực và chương trình liên quan đến nước và vệ sinh, bao gồm khai thác nước, khử mặn, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, xử lý nước thải, các công nghệ tái chế và tái sử dụng.

Về công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm môi trường, áp dụng các chế tài mạnh mẽ nhằm xử lý các trường hợp vi phạm

Để giám sát, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông, nhiều chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã được ban hành: các đề án BVMT các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai tiếp tục được triển khai. Đến năm 2018, đã có 22/22 tỉnh, thành phố trên 03 lưu vực sông đã phê duyệt và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông; 16/16 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án trên địa bàn. Nhiều dự án xử lý nước thải tại các lưu vực sông đã được đầu tư thuộc các chương trình của Trung ương và địa phương. Cụ thể đã có 21 dự án xử lý nước thải khu đô thị, bệnh viện, công nghiệp trong đó có 08 dự án trên 03 lưu vực sông thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015. Các dự án xử lý nước thải đô thị và công nghiệp tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...như nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Yên Xá, Cầu Ngà (Hà Nội), Bắc Ninh, Từ Sơn (Bắc Ninh), Bình Hưng, Tham Lương - Bến Cát (Hồ Chí Minh), Nam Bình Dương (Bình Dương),...

Liên quan đến việc hạn chế và giảm tác động môi trường từ khai thác khoáng sản, nhiều công cụ, biện pháp như đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và ký quỹ phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản đã được triển khai thực hiện. Bộ TN&MT đã thẩm định hơn 110 dự án, đề án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; tiếp nhận và thẩm định gần 300 phương án cải tạo, phục hồi môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung với tổng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trên 3.000 tỷ đồng.

Năm 2018, Bộ TN&MT đã thanh tra đột xuất đối với 34 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và có hoạt động xả nước thải với lưu lượng lớn hơn 200 m3/ngày.đêm ra sông Bắc Hưng Hải; đồng thời kiến nghị UBND các tỉnh có kế hoạch di dời các cơ sở, làng nghề đang có hoạt động xả thải trên sông Bắc Hưng Hải vào các khu, cụm công nghiệp; cũng như giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Ban Quản lý các KCN và UBND cấp huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở còn lại có hoạt động xả thải vào sông Bắc Hưng Hải.

Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06/01/2015 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường (thay thế Nghị định số 113/2010/NĐ-CP của Chính phủ) đã được ban hành, trong đó đã quy định quy định cụ thể về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường. Hiện nay thông tư quy định yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường đang được hoàn thiện (thay thế Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT của Bộ TN&MT). Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 172) và quy định chủ thể gây ô nhiễm môi trường thì phải bồi thường thiệt hại (Điều 602). Thời gian qua, một số sự cố môi trường cũng đã được giải quyết thông qua đền bù thiệt hại. Điển hình là sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016 do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, doanh nghiệp đã phải chấp nhận bồi thường 500 triệu USD cho thiệt hại đối với kinh tế của người dân.

Về áp dụng chế độ quan trắc tự động, liên tục và giám sát chặt chẽ nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện

Việc quan trắc nước thải sau xử lý từ các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, bệnh viện được quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2017 của Bộ TN&MT về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường và Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ TN&MT quy định về kỹ thuật quan trắc môi trường. Theo quy định, ngoài việc giám sát định kỳ, các chủ cơ sở phải lắp đặt trạm quan trắc tự động đối với nước thải và khí thải để giám sát tự động liên tục truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát và quản lý.

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2019 thì việc kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN, khu chế xuất đã có chuyển biến tích cực với 89% (223/251; tăng 8,05% so với năm 2017) KCN, khu chế xuất (ngoài khu kinh tế) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, tiêu biểu các địa phương có nhiều KCN lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh,... tỷ lệ này đều đạt 100%. Tỷ lệ KCN lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục là 87,6%) (219/250 KCN) và hiện trạng môi trường 06 khu kinh tế ven biển phục vụ cho việc xây dựng hướng dẫn quy hoạch các công trình bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế ven biển đã được khảo sát, đánh giá.

Về xã hội hóa đầu tư thực hiện các chương trình, dự án cải tạo, phục hồi hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư, đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường

Nhiều công trình, dự án cải tạo, phục hồi kênh, mương, ao, hồ bị ô nhiễm đã được tích cực triển khai. Nhìn chung phần lớn các kênh mương, ao, hồ và các đoạn sông chảy qua các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã và đang được nâng cấp, kè bờ, nạo vét, … Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường (2018), thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai các dự án cải tạo, nạo vét, khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước, nâng cấp các hệ thống bơm tiêu thoát nước, xử lý nước thải đồng thời phối hợp giải quyết một số vấn đề liên địa phương với kinh phí nhiều tỷ đồng; huy động các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thực hiện 51 chương trình, dự án cải tạo, xử lý nước thải đô thị với tổng kinh phí là hơn 1.160 triệu USD.

Việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 02/9/2012. Theo đó, Chương trình đã yêu cầu thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên, xả trực tiếp ra 03 lưu vực: sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai. Đến nay, đã có 08 dự án cải tạo môi trường được triển khai; đã hỗ trợ kinh phí 100 tỷ đồng cho 02 tiểu dự án thu gom, xử lý nước thải của 02 tỉnh Thái Nguyên (đã hoàn thành) và Đồng Nai. Chương trình đã hỗ trợ kinh phí 100 tỷ đồng từ nguồn đầu tư để triển khai cho 02 tiểu dự án thu gom, xử lý nước thải của 02 tỉnh Thái Nguyên và Đồng Nai. Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ Trung ương được tỉnh Thái Nguyên bố trí vào công trình “Cải tạo suối Cống Ngựa” thuộc “Dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên” và đã hoàn thành năm 2015. Đối với tiểu dự án “Thu gom, xử lý nước thải thành phố Biên Hoà” của tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành hạng mục xây lắp xử lý nước thải giai đoạn 1A năm 2016 và hiện đang triển khai giải phóng mặt bằng hạng mục thu gom nước thải.