Tăng đáng kể hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực

Tin tức - Sự kiện 12/09/2020

Mục tiêu 6.4: Đến năm 2030, tăng đáng kể hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước. Bảo đảm việc khai thác nước không vượt quá ngưỡng giới hạn khai thác đối với các sông, không vượt quá trữ lượng có thể khai thác đối với các tầng chứa nước

Các nhiệm vụ thực hiện gồm: Đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội khác; Điều tra, lập kế hoạch bảo vệ, khai thác các nguồn nước mặt, nước ngầm hiện có tại mỗi địa phương để có đánh giá cụ thể về tài nguyên, trữ lượng nước; Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái thủy sinh, bảo đảm chất lượng nguồn nước đáp ứng các nhu cầu cấp nước khác nhau; Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước mặt, khoan thăm dò nước dưới đất và các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường bảo vệ nguồn nước dự trữ; Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, chú trọng hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu về tài nguyên nước; Xây dựng và ban hành các quy định về hạn ngạch khai thác nước mặt và nước dưới đất. Rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành và điều chỉnh các quy hoạch có nguy cơ gây suy giảm trữ lượng nước; Truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ nguồn nước; Ban hành cơ chế ưu tiên cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ xử lý, cung cấp nước sạch, xử lý ô nhiễm nước. Nghiên cứu và tăng cường sử dụng công nghệ tiết kiệm nước.

Về đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội khác

Để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước, đảm bảo cấp nước cho các hoạt động sản xuất và hoạt động xã hội khác, Bộ TN&MT đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát các cơ sở khai thác nước mặt, nước ngầm. Nhiều văn bản chính sách quan trọng đã được ban hành như: Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước; Nghị định số 54/2015/NĐ-CP ngày 08/6/2015 của Chính phủ quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản); Bộ TN&MT còn tham mưu để ban hành 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 34 thông tư với các quy định liên quan[1].

Kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách cho thấy, nhìn chung, cơ chế tài chính, chủ trương kinh tế hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước bước đầu đã được thể chế hóa thông qua các văn bản đã được Bộ Tài chính ban hành như quy định về quản lý nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế trong quản lý tài nguyên nước, quy định tăng thuế khai thác sử dụng tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và quy định về phí thẩm định hồ sơ cấp phép.

Triển khai thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, các cơ sở khai thác nước triển khai việc tính toán, kê khai và phê duyệt số tiền phải nộp làm căn cứ để các cơ quan thuế ở các địa phương thông báo, thu tiền. Kết quả thực hiện, tính đến hết tháng 6/2020, Bộ TN&MT đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác cho 650 công trình khai thác (chủ yếu là thủy điện), với tổng số tiền là hơn 9,9 ngàn tỷ đồng.

Về điều tra, lập kế hoạch bảo vệ, khai thác các nguồn nước mặt, nước ngầm hiện có tại mỗi địa phương để có đánh giá cụ thể về tài nguyên, trữ lượng nước

Công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt

Việc đánh giá diễn biến dòng chảy, tài nguyên nước mặt trong sông đã có thực hiện ở hầu hết các trạm thủy văn, trạm tài nguyên nước hiện có trên các sông, suối thuộc hệ thống sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Hồng-Thái Bình, Mã, Cả, Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai, sông Cửu Long và một số sông ven biển Miền Trung, nhưng thực hiện qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn và chưa có đánh giá đồng bộ, nhằm cung cấp thông tin, số liệu về các đặc trưng dòng chảy tại trạm.

Hiện nay, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia hiện có 187 trạm khí tượng bề mặt, 14 trạm quan trắc bức xạ mặt trời, 29 trạm quan trắc KTNN. Hệ thống đo mưa trên toàn quốc gồm 1296 điểm, trong đó có 541 điểm nằm ngay trong các trạm KTTV và 755 điểm nằm ngoài các trạm KTTV, 7 trạm ra đa thời tiết, 6 trạm thám không vô tuyến, 8 trạm đo gió trên cao, 354 trạm thủy văn, 23 trạm hải văn, 155 trạm/điểm đo môi trường không khí và nước (trong đó có 10 trạm đo môi trường không khí tự động, 16 nước mưa bụi lắng, 51 môi trường nước sông, 4 môi trường nước hồ, 6 nước biển, 68 điểm đo mặn). Trên cơ sở số liệu quan trắc tại các trạm nêu trên, việc đánh giá tài nguyên nước đã được thực hiện cho các lưu vực sông. Tuy nhiên, mạng lưới trạm quan trắc còn thiếu về số lượng và phân bố các trạm chưa đều theo lãnh thổ, ngoài ra mức độ tự động hóa (công nghệ, thiết bị đo và truyền số liệu tự động) còn hạn chế. Vì vậy, các hoạt động điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt ở Trung ương và địa phương đã được thực hiện ở mức độ chi tiết theo các tỷ lệ khác nhau, cụ thể: tỷ lệ 1:100.000 mới chỉ do Trung ương thực hiện trên các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia, tỷ lệ 1:200.000 và 1:50.000 do địa phương thực hiện trên các nguồn nước nội tỉnh, cụ thể như sau: tỷ lệ 1:100.000 tính đến thời điểm hiện nay đã thực hiện được khoảng 21.394 km2 (chiếm khoảng 6,5% diện tích phần đất liền của lãnh thổ nước ta); tỷ lệ 1:200.000 tính đến thời điểm hiện nay đã thực hiện được khoảng 28.445 km2 (chiếm 8,6% diện tích phần đất liền của lãnh thổ nước ta); tỷ lệ 1:50.000 tính đến thời điểm hiện nay đã thực hiện được khoảng 18.810 km2 (chiếm 5,7% diện tích phần đất liền của lãnh thổ nước ta).

Công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất

Trên phạm vi toàn quốc, tính đến nay công tác này đã điều tra thực hiện ở nhiều tỷ lệ khác nhau, trong đó tỷ lệ 1:200.000 đã phủ kín diện tích toàn quốc; tỷ lệ 1:100.000 với diện tích khoảng 18.920 km2, đạt 5,8%; tỷ lệ 1:50.000 với diện tích khoảng 14.337 km2 đạt 4,4%; tỷ lệ 1:25.000 với diện tích khoảng 9.912 km2 đạt 3,0 % diện tích phần đất liền của lãnh thổ nước ta. Trong đó, diện tích thực hiện trên các lưu vực sông cụ thể như sau:

Công tác điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 phủ kín diện tích toàn quốc;

Công tác điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000 hiện nay hầu như chưa được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, chỉ riêng có lưu vực sông Hồng - Thái Bình khoảng 555 km2 (1% tổng diện tích lưu vực), vùng ĐBSCL khoảng 16.645 km2 (42,5%);

Công tác điều tra đánh giá tài nguyên nước nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 trên Bằng Giang - Kỳ Cùng khoảng 62 km2 (chiếm khoảng 0,6% tổng diện tích lưu vực), Hồng - Thái Bình khoảng 13.234 km2 (17%), sông Mã khoảng 264 km2 1,5%), Vu Gia - Thu Bồn khoảng 232 km2 (2,3%), còn lại các lưu vực sông: Hương, Cả, Ba, Kôn, Hà Thanh, Srê Pốk, Đồng Nai, vùng ĐBSCL, vùng Quảng Ninh, ven biển miền Trung, Nam Trung Bộ hầu như chưa thực hiện ở tỷ lệ này;

Công tác điều tra đánh giá tài nguyên nước nước dưới đất tỷ lệ 1:25.000 trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình khoảng 4.380 km2 (chiếm khoảng 5,7% diện tích lưu vực), sông Mã khoảng 1.669 km2 (9,5%), sông Ba khoảng 560 km2 (4,2%), Kôn - Hà Thanh khoảng 420 km2 (11%), Srê Pốk khoảng 560 km2 (3,1%), sông Đồng Nai khoảng 2.585 km2 (7,1%), vùng ĐBSCL khoảng 1.679 km2 (4,3%); các lưu vực sông Cả, sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Sê San, các lưu vực thuộc vùng Quảng Ninh, ven biển miền Trung, Nam Trung Bộ hầu như chưa được thực hiện ở tỷ lệ này.

Ngoài ra, Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai[2]. Kết quả thực hiện giai đoạn 1, đã tạo công trình khai thác bền vững phục vụ cấp nuớc cho người dân vùng cao, vùng khan hiếm nước. Dự án đã thi công 455 công trình, đủ điều kiện xây dựng 190 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung, thuộc 37 tỉnh. Tổng lưu lượng khai thác công trình dự báo trên phạm vi các vùng điều tra đạt khoảng 103.134 m3/ngày, có thể cung cấp cho 1,03 triệu nguời dân (với tiêu chuẩn sử dụng nước 100 l/người/ngày). Trong đó: Khu vực Bắc Bộ: tổng lưu lượng khai thác công trình dự báo là 25.796 m3/ngày có khả năng cung cấp cho 257.963người; khu vực Bắc Trung Bộ là 10.237 m3/ngày có khả năng cung cấp cho 102.370 người; khu vực Nam Trung Bộ là 12.816 m3/ngày có khả năng cung cấp cho 128.160 người/ngày; khu vực Tây Nguyên là 15.044 m3/ngày có khả năng cung cấp cho 150.444 người; khu vực Nam Bộ là 39.240 m3/ngày có khả năng cung cấp cho 392.404 người.

Về xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, cần tổ chức thực hiện 15 quy hoạch: quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, 13 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh (Hồng-Thái Bình, sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh, sông Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai và Cửu Long) và quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Về quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước quốc gia tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 04/12/ 2019 và đang thực hiện lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2021. Về quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai lập quy hoạch cho 05 lưu vực sông: Hồng-Thái Bình, Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pốk và ĐBSCL (trong đó 03 quy hoạch lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pốk dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2020 và 02 lưu vực sông Hồng-Thái Bình và ĐBSCL dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt tháng 12/2021) và 08 lưu vực sông còn lại đang xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch.

Về tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, chú trọng hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu về tài nguyên nước

 Trong các năm qua, nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng như: Diễn đàn nước quốc tế tại Pháp, Hội nghị hợp tác liên chính phủ Việt Nam - Nam Phi,...; tiếp và làm việc với nhiều Đoàn đến tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực tài nguyên nước của các nước như Nam Phi, Hungary, Lào,... Bộ TN&MT cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ tham gia Tổ chức lưu vực sông quốc tế và đang xây dựng đề án tham gia là thành viên Hội đồng nước châu Á.

Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía Hà Lan trong khuôn khổ của Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về “Quy hoạch tài nguyên nước cho lưu vực sông Hồng - Thái Bình giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2050”.

Hiện nay, các dự án hợp tác song phương: Dự án “Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quan trắc giám sát và dự báo thời gian thực phục vụ quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn” hợp tác với Cộng hòa Ý; Dự án “Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quan trắc, giám sát nước dưới đất quốc gia” hợp tác với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) thuộc Chính phủ Pháp. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đang triển khai hợp phần trong dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững” được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB) đang được xúc tiến các thủ tục để có thể triển khai.

Về thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ nguồn nước

Về công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật, từ năm 2012 đến nay, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước được thực hiện thương xuyên vơi các phương tiên thông tin đai chung, các trang thông tin điện tử (VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam,...),... thông qua các hình thức xây dưng phim, ảnh, băng đĩa, các chương trình hỏi đáp, đối thoại, tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự, tổ chức hội thảo tập huấn cho cơ quan, doanh nghiệp, người dân, xuất bản Bản tin Tài nguyên nước... giải đáp pháp luật, trao đổi những vấn đề quan trọng, cấp bách cần giải quyết trong quản lý tài nguyên nước, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về tài nguyên nước.

Việc tổ chức lễ mít tinh quốc gia và chuỗi các sự kiện bên lề hưởng ứng Ngày Nước Thế giới 22/3 hàng năm từ năm 2011 đến nay và đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn xã hội, có ý nghĩa và sức lan tỏa cao, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen và cách ứng xử với tài nguyên nước ở hiện tại và tương lai. Đăng tải thường xuyên các thông tin về công tác quản lý tài nguyên nước, hoạt động bảo vệ nguồn nước,... trên các trang điện tử của Bộ TN&MT, của Cục Quản lý tài nguyên nước, các trang thông tin đại chúng (Báo Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường,...).

 


[1] Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước; Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Thông tư số 74/2017/TT-BTNMT quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.

[2] Tại Quyết định số 264/QĐ-TTg ngày 02/3/2015: Chương trình thực hiện tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên địa bàn 44 tỉnh, thành phố, dự kiến số vùng được điều tra, đánh giá là 1.333 vùng. Chương trình gồm 3 dự án thành phần: Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý và cấp nước sạch; Xây dựng thí điểm hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước đặc trưng.