Đạt được quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản

Tin tức - Sự kiện 16/09/2020

Các nhiệm vụ thực hiện gồm: Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến; xây dựng các tài khoản tài nguyên khoáng sản trong hệ thống hoạch toán quốc gia; Quy hoạch, quản lý quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm việc sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên đất, nước, rừng, năng lượng, khoáng sản...; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc bảo vệ, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Về đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến các loại tài nguyên khoáng sản

Bộ đang chủ trì lập “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia thời kỳ 2021-3030, tầm nhìn đến 2050” (Quyết định số 1977/QĐ-BTNMT ngày 31/7/2019).

Nhằm đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng các loại khoáng sản, Bộ TN&MT đang triển khai một số đề án Chính phủ và đề án cấp Bộ đánh giá tổng thể một số loại khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội gồm: 1. Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, Nam Giang, Quảng Nam (kết thúc trong năm 2019); 2. Điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng than phần đất liền bể Sông Hồng (kết thúc trong năm 2019); 3. Đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng chì - kẽm (kết thúc trong năm 2019); 4. Điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản cát trắng trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam (đang thi công); 5. Đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng miền Bắc Việt Nam (đang thi công); 6. Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (gồm 13 đề án thành phần đánh giá các loại khoáng sản trên địa bàn 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, CaoBằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An (đang thi công); 7. Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); 8. Đề án “Thống kê, kiểm kê trữ lượng tài nguyên khoáng sản rắn (2006-2018)” để cập nhật, tổng hợp tài nguyên, trữ lượng còn lại các mỏ khoáng sản và các mỏ đã được đánh giá, thăm dò đến hết năm 2018. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021; 9. Báo cáo “Thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản rắn (trừ vật liệu xây dựng thông thường); đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng và đề xuất biện pháp quản lý” được Bộ TN&MT thực hiện từ năm 2007 và thực hiện bổ sung số liệu đánh giá, thăm dò xác định tài nguyên các loại khoáng sản hàng năm.

Liên quan đến nhiệm vụ hạch toán các tài nguyên và tài khoản quốc gia, trong khuôn khổ của Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Quyết định số 172/QĐ-TTg) Đề tài cấp quốc gia “Xác lập phương pháp lượng giá và quy trình kết chuyển các giá trị của tài nguyên và môi trường vào hệ thống hạch toán tài khoản quốc gia mới ở Việt Nam” đã được triển khai.

Về nhiệm vụ tổ chức thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo đảm việc sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài khoáng sản

Bộ TN&MT đã triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1: 2011 - 2015); đã xây dựng một số bộ dữ liệu cơ bản, làm cơ sở xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thống nhất trên một nền chung, bao gồm: cơ sở dữ liệu nền địa lý các tỷ lệ 1/50.000; 1/250.000 phủ trùm toàn bộ lãnh thổ (phần đất liền); cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1/25.000 khu vực miền Trung, Tây Nguyên (phần đất liền); cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám tỷ lệ 1/50.000 phủ trùm toàn bộ lãnh thổ (phần đất liền). Các cơ sở dữ liệu về mưa và thiên tai khí hậu đã cơ bản đạt 100% khối lượng. Đề án xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường (Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24/10/2017) đã được phê duyệt và triển khai, dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành. Cụ thể, về tài nguyên nước, hiện đang xây dựng hệ thống theo dõi và quản lý diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất và hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành.

Về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản

Bộ TN&MT kết hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương .

Thanh tra chuyên ngành: hàng năm Bộ TN&MT thực hiện ít nhất 01 đợt thanh tra chuyên đề với những nội dung đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, có tính trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Cụ thể: năm 2012, thanh tra chuyên đề khai thác thiếc; năm 2013, thanh tra chuyên đề chấp hành pháp luật về khoáng sản của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cũng như các đơn vị thành viên; năm 2014, thanh tra chuyên đề khai thác, sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; năm 2015, thanh tra chuyên đề khai thác, sử dụng đá vôi; năm 2016, thanh tra chuyên đề khai thác, sử dụng đá ốp lát.

Các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý: theo báo cáo chưa đầy đủ, các địa phương trong cả nước, ngoài việc phối hợp với Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đã tổ chức hàng trăm đợt kiểm tra, thanh tra các hoạt động khoáng sản trên địa bàn, xử phạt hàng trăm tổ chức, cá nhân vi phạm. Qua đó chấn chỉnh các hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp. Đáng lưu ý, tỉnh Quảng Nam trong 06 năm qua (2011 - 2016) đã tổ chức 2.066 đợt kiểm tra hoạt động khoáng sản, truy quét các hoạt động khoáng sản trái phép, xử phạt hành chính hơn 43 tỷ đồng.