Tăng cường khả năng chống chịu và thích nghi với rủi ro liên quan tới biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai và các thảm họa tự nhiên khác

Tin tức - Sự kiện 03/09/2020

Các nhiệm vụ thực hiện gồm: Nghiên cứu và triển khai các giải pháp cụ thể để phòng chống hiệu quả thiên tai, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi; duy trì và vận hành có hiệu quả lâu dài; Tăng cường các hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến khích chuyển giao công nghệ và ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, tiến tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp.

Nhằm tăng cường khả năng chống chịu và thích nghi với rủi ro liên quan tới biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai và các thảm họa tự nhiên khác cho các khu vực dễ bị tổn thương như vùng ven biển, vùng núi cao, Bộ TN&MT đã thực hiện xây dựng bản đồ ngập lụt đến cấp xã cho 28 tỉnh/thành phố ven biển tỷ lệ 1/10.000 đã được xây dựng; đang triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đối với toàn bộ các hồ chứa lớn.

Thực hiện nhiệm vụ về giảm nhẹ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho các năm cơ sở 1994, 2000, 2010, 2013 và 2014 trong khuôn khổ xây dựng các Báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu đệ trình Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người được trình bày tại Bảng 1 sau:

Bảng 1: Lượng phát thải khí nhà kính

Năm cơ sở

Tổng phát thải Khí nhà kính (triệu tấn CO2 tương đương)

Dân số Việt Nam (triệu người)

Lượng phát thải KNK bình quân đầu người (tấn/người)

Nguồn dữ liệu

1994

103.84

70,8

1,47

NC1

2000

150.90

77,6

1,94

NC2

2010

246.83

86,93

2,84

BUR1

2013

259.02

89,76

2,89

BUR2

2014

283.97

90,73

3,13

NC3

Nguồn: Thông báo quốc gia cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

 

Về xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu:

Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016 của Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu được xây dựng với trọng tâm đặt yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển và được lồng ghép vào trong các chính sách và hệ thống chiến lược, quy hoạch. Thích ứng với biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu của hệ thống xã hội và tự nhiên, tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại và bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Mục tiêu chung của Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Để đạt mục tiêu chung, có 03 mục tiêu cụ thể của Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu được xác định, bao gồm: (i) Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, trong đó có hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. (ii) Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. (iii) Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra phân theo 03 nhóm tương ứng với 03 mục tiêu cụ thể của Kế hoạch; tập trung vào 07 nhóm, lĩnh vực: (i) Tăng cường công tác quản lý nhà nước và nguồn lực (23 nhiệm vụ); (ii) Nông nghiệp (43 nhiệm vụ); (iii) Phòng chống thiên tai (26 nhiệm vụ); (iv) Môi trường và đa dạng sinh học (10 nhiệm vụ); (v) Tài nguyên nước (17 nhiệm vụ); (vi) Cơ sở hạ tầng (25 nhiệm vụ); (vii) Các lĩnh vực khác (sức khoẻ cộng đồng, lao động - xã hội, văn hoá - thể thao - du lịch) (19 nhiệm vụ). Các lĩnh vực nêu trên được lựa chọn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào mức độ tác động của biến đổi khí hậu và mục tiêu của kế hoạch thích ứng quốc gia; không phân chia nhiệm vụ theo Bộ, ngành để tránh sự trùng lặp, chồng lấn trong các lĩnh vực. Trong mỗi lĩnh vực, các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được xác định; trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Bộ, ngành và địa phương.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu:

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 13/4/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP tại Quyết định số 417/QĐ-TTg với mục đích xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong từng giai đoạn để các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, dự án, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ và mục tiêu đã được Nghị quyết số 120/NQ-CP đề ra.

Chương trình hành động tổng thể đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính, bao gồm: (1) Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; (2) Cập nhật và hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; (3) Xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; (4) Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng với biến đổi khí hậu; (5) Đầu tư và phát triển hạ tầng; (6) Phát triển và huy động nguồn lực.

Về cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam

Nhiệm vụ này Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đang xây dựng dự thảo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam cập nhật. Bản cập nhật mới nhất được xây dựng và ban hành năm 2016. Hiện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đang xây dựng bản cập nhật cho năm 2020, dự kiến sẽ trình Bộ xem xét vào cuối năm nay.

Về nghiên cứu, xây dựng Luật về ứng phó với biến đổi khí hậu và các văn bản hướng dẫn

Thời điểm hiện nay chưa xây dựng Luật riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Cục Biến đổi khí hậu đang phối hợp với Tổng cục Môi trường xây dựng Chương ứng phó với biến đổi khí hậu trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm chi tiết hóa các quy định về biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Dự kiến Chương ứng phó với biến đổi khí hậu gồm các điều: Thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Bảo vệ tầng ô-dôn; Lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch; Cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu; Báo cáo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được trình Quốc hội xem xét.

Về tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh:

Thực hiện Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều phối và triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2020 Hợp phần Biến đổi khí hậu thuộc Chương trình với các dự án thành phần:

Dự án thành phần số 1: Các nhiệm vụ sự nghiệp

Các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sự nghiệp được giao như: Xây dựng Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 các Bộ, ngành, địa phương; Rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các Bộ; Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam; Xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu của Việt Nam; Đánh giá khí hậu quốc gia, Đánh giá khí hậu địa phương; Triển khai một số hành động chính sách bắt buộc về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Xây dựng tài liệu, phổ biến kiến thức và kỹ năng nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng về: thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; cơ hội của biến đổi khí hậu; Thỏa thuận Paris, cơ hội và thách thức của Việt Nam cũng như các nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, tạo đà tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư từ cộng đồng quốc tế.

Riêng nhóm nhiệm vụ Rà soát, cập nhật yếu tố biến đổi khí hậu vào các quy hoạch: tài nguyên nước, sử dụng đất, thủy lợi, giao thông, xây dựng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, các Bộ tạm dừng thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình để phù hợp với quy định mới của Luật Quy hoạch.

Thông qua Chương trình, nhiều cơ chế, chính sách về biến đổi khí hậu đã được xây dựng và triển khai thực hiện, góp phần định hình các hoạt động ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, hàng trăm công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu như phát triển rừng, củng cố hệ thống thủy lợi… đã được đầu tư xây dựng, góp phần ứng phó có hiệu quả với các tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu thời gian qua và trong nhiều năm sau này. Việc thực hiện các nhiệm vụ từ Chương trình cũng đã góp phần xâu chuỗi các cơ chế, chính sách thành một hệ thống đồng bộ, bổ khuyết được một số các thiếu hụt trong công tác quản lý các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020, phát huy được tổng thể hệ thống quản lý, điều phối về biến đổi khí hậu.

Dự án thành phần số 2: Các dự án đầu tư

Các dự án chuyển tiếp Hợp phần biến đổi khí hậu đã được bố trí vốn để triển khai thực hiện. Đến nay các dự án chuyển tiếp của Hợp phần biến đổi khí hậu đã được bố trí đủ vốn để hoàn thành. Còn 01 dự án “Nâng cấp, gia cố tăng khả năng thoát lũ và chống sạt lở bờ sông Đáy trên toàn tuyến sông Đáy thuộc địa phận tỉnh Hà Nam” có quy mô lớn, sử dụng nhiều nguồn vốn nên thủ tục chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian. Do vậy dự án dự kiến sẽ được bố trí vốn để triển khai thực hiện năm 2020 và các năm tiếp theo.

Các dự án khởi công mới đã được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên Chương trình được phê duyệt vào cuối năm 2017, thời gian thực hiện còn lại là 03 năm, trong khi các dự án hầu hết là nhóm B nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, danh mục các dự án đều phải bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nên thực tế các dự án mới được phân giao kinh phí từ đầu năm 2019. Điều này làm cho việc triển khai dự án bị chậm so với dự kiến.

Bên cạnh đó, thời gian qua, trong bối cảnh chung về dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tiến độ giải ngân và thực hiện các dự án. Trong khi đó, các dự án khởi công mới Hợp phần Biến đổi khí hậu cũng gặp một số bất cập, vướng mắc trong thủ tục triển khai, dẫn đến tiến độ triển khai bị ảnh hưởng như: Nguồn vốn đối đối ứng của ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác còn hạn chế cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai thi công các hạng mục của dự án. Công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án gặp khó khăn do vướng mắc các thủ tục thỏa thuận kỹ thuật, thỏa thuận đền bù với các tổ chức, cá nhân có liên quan và nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng hạn chế. Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình mưa, bão, lũ lụt... có nhiều biểu hiện bất thường, trái quy luật làm ảnh hưởng đến kế hoạch thi công xây dựng công trình của các dự án. Công tác lựa chọn nhà thầu thi công và thi công công trình rơi vào thời điểm cuối năm 2019 là thời gian các công trình, dự án đầu tư công khác cũng đang đẩy nhanh tiến độ nên khó khăn cho việc triển khai thi công công trình và giải ngân kế hoạch vốn được giao. Đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến thi công các công trình. Mặc dù có nhiều ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh và thời điểm giao vốn làm chậm tiến độ triển khai các dự án, tuy nhiên hầu hết các địa phương đều quyết tâm thực hiện và cơ bản đáp ứng tiến độ công trình và giải ngân trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ có một số ít công trình, dự án do điều kiện khách quan như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mục đích rừng, giải phóng mặt bằng, bị ảnh hưởng bởi thiên tai… đề nghị được kéo dài.

Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu:

Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016. Kế hoạch gồm 68 nhiệm vụ cụ thể chia thành 5 nhóm nhiệm vụ: 1. Nhiệm vụ giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; 2. Nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; 3. Nhiệm vụ chuẩn bị nguồn lực; 4. Nhiệm vụ thiết lập hệ thống công khai, minh bạch; 5. Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế để thực hiện trong 02 giai đoạn 2016-2020 và 2021-2030. Kế hoạch và cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương đề xuất các nhiệm vụ, dự án, nghiên cứu nhằm thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Về định kỳ rà soát, cập nhật và theo dõi các mục tiêu của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam

Ngày 24/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) quốc gia, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ; mức đóng góp 9% này có thể được tăng lên thành 27% so với BAU quốc gia (tương đương 250,8 triệu tấn CO2tđ) khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và các cơ chế trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. NDC cập nhật của Việt Nam xác định các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 và các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu gây ra trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực.

NDC của Việt Nam được rà soát và cập nhật, bao gồm đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH phù hợp hơn với hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến 2030; bảo đảm mục tiêu thực hiện NDC phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược phòng chống thiên tai.

Đồng thời, áp dụng một số yêu cầu mới đối với NDC được thông qua tại Hội nghị COP24 phù hợp với khả năng của Việt Nam. Làm rõ hơn nội dung về tổn thất và thiệt hại, bổ sung những nỗ lực mới nhất của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Bổ sung nội dung đánh giá tác động của việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến phát triển kinh tế - xã hội. Bổ sung nội dung phân tích về đồng lợi ích giữa thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Bổ sung các chỉ số phù hợp tạo thuận lợi cho việc theo dõi, đánh giá định kỳ tiến độ thực hiện NDC. Bổ sung nội dung hệ thống quốc gia về đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) đối với các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ cho việc thực hiện NDC. Làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn và kế hoạch thực hiện NDC trong bối cảnh quốc tế, quốc gia hiện nay và các giải pháp khắc phục.

Đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính

NDC cập nhật đã bổ sung lĩnh vực các quá trình công nghiệp (IP) trong kiểm kê khí nhà kính, BAU và các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Năm cơ sở được sử dụng là 2014, năm có kết quả kiểm kê khí nhà kính cập nhật nhất sau khi Việt Nam tham gia Thỏa thuận Paris (năm cơ sở trong NDC là năm 2010).

Cập nhật BAU và tăng mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với BAU và có thể tăng đóng góp lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

So với NDC đã đệ trình, đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật trong trường hợp quốc gia tự thực hiện đã tăng cả về lượng giảm phát thải (so với BAU) và tỉ lệ giảm phát thải. Cụ thể, lượng giảm phát thải tăng thêm 21,2 triệu tCO2tđ (từ 62,7 triệu tCO2tđ lên 83,9 triệu tCO2tđ) tương ứng với tỉ lệ giảm phát thải đã tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng từ 25% lên 27%, lượng giảm phát thải đã tăng thêm 52,6 triệu tCO2tđ (từ 198,2 triệu tCO2tđ lên 250,8 triệu tCO2tđ).

Đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu

NDC cập nhật đã xác định các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm: Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại gây bởi các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực (gồm: tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, sức khỏe cộng đồng, đô thị, nhà ở, giao thông vận tải, du lịch và nghỉ dưỡng, công nghiệp và thương mại) và cho từng khu vực (đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực ven biển, miền núi).

Đồng thời, NDC cập nhật đã đưa vào nội dung Hài hòa và đồng lợi ích. Phân tích hài hòa và đồng lợi ích giữa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm hỗ trợ xác định các hành động nhằm tối ưu hoá chi phí và lợi ích.

NDC cập nhật là nỗ lực cao nhất của Việt Nam

Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, NDC cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris.

Năm 2014, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu và mức phát thải bình quân đầu người là 2,84 tấn CO2tđ. Tuy nhiên, Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh và tăng cường thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có tiềm năng trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và chất thải cũng như tăng cường khả năng hấp thụ các-bon trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp.

Nỗ lực của quốc gia còn được thể hiện qua việc Chính phủ coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là trách nhiệm của cả nước trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nỗ lực được xem xét và đưa vào các văn bản, quy định cụ thể trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và thực hiện NDC cập nhật nói riêng trong giai đoạn kể từ năm 2021 trở đi.

Về xây dựng và cập nhật nhật quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu

Nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý, giám sát và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong các ngành, lĩnh vực, khu vực góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT đang triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu của Việt Nam, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2020.

Về đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến khích chuyển giao công nghệ và ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, tiến tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp

Để tăng cường giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2020 - 2030, Bộ TN&MT dự kiến xây dựng và triển khai thị trường tín chỉ các-bon trong nước để thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ ít phải thải, tạo động lực cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, Bộ TN&MT sẽ xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn phù hợp để thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Hiện nay, Bộ TN&MT đang nghiên cứu bước đầu để xác định mô hình thị trường các-bon phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.