Đảm bảo chia sẻ công bằng và bình đẳng lợi ích từ việc sử dụng các nguồn gen và tăng cường tiếp cận hợp lý các nguồn gen theo cam kết quốc tế

Tin tức - Sự kiện 04/09/2020

Các nhiệm vụ thực hiện gồm: Điều tra, lập danh mục, bảo vệ và phát triển nguồn gen; Thu thập, tư liệu hóa; lập chỉ dẫn địa lý và và thực hiện các biện pháp bảo tồn tri thức truyền thống về nguồn gen; Nghiên cứu, xây dựng quy định hướng dẫn cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích thu được từ nguồn gen; thực hiện mô hình thí điểm chia sẻ lợi ích thu được từ nguồn gen, chú trọng lợi ích của cộng đồng; Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen.

Việt Nam đã gia nhập Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen, chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen theo Công ước Đa dạng sinh học từ năm 2014. Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen đã được ban hành; các đề án, chương trình bảo tồn gien tiếp tục được triển khai như Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen; Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015); Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1976/QĐ-TTg). Ngoài ra, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã bảo tồn và phát triển nguồn gien của ba loài Nấm lớn đang bị đe doạ là Nấm thông Boletus edulis Bull. ex Fr, Nấm mào gà Cantharellus cibarius Fr., Nấm lưỡi bò Fistulina hepatica (Schaeff. ex Fr.), thực hiện trong giai đoạn 2017-2019. Hiện đã có số liệu tương đối đầy đủ về 2 loài nấm Thông và nấm Mào gà, đang tiếp tục tìm kiếm loài nấm lưỡi bò.

Công tác lưu giữ các nguồn gen đã đạt được kết quả tốt và công tác đánh giá di truyền, tính trạng chống chịu và phân tích chất lượng để phục vụ sản xuất đang từng bước được đẩy mạnh. Đến nay đã thu thập, lưu giữ được khoảng 30.000 nguồn gen cây trồng nông nghiệp; trên 2.000 loại cây lâm nghiệp; lập danh mục và lưu giữ 730 loài cây thuốc cần bảo tồn; khoảng 70 đối tượng vật nuôi và 87 giống thuộc 75 loài thủy sản nước ngọt, 12 nguồn gen cá biển, 2 nguồn gen giáp xác, 4 nguồn gen nhuyễn thuể, khoảng 22.000 chủng vi sinh vật. Từ đó, đã chọn lọc được gần 200 đối tượng có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị. Trong số đó, hơn 20 nguồn gen đã được nghiên cứu xây dựng thành công các quy trình kỹ thuật để nhân rộng và chế biến tạo sản phẩm, nâng cấp quy mô sản xuất, góp phần tạo ra nguồn thu ổn định tái đầu tư cho công tác bảo tồn.