Khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu quản lý tổng hợp, khai thác bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước

Tin tức - Sự kiện 19/08/2020

Đối với các mục tiêu quản lý tổng hợp, khai thác bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước (các mục tiêu 6.1d, 6.3b, 6.4, 6.5, 6.6) cho thấy còn nhiều khó khăn, tồn tại và hạn chế để đạt được các mục tiêu này.

Về quy hoạch tài nguyên nước

Công tác lập quy hoạch tài nguyên nước còn chậm, do đây là một công việc mới, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và nguồn số liệu điều tra cơ bản còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đồng thời, kể từ sau khi có Luật Quy hoạch, cần thực hiện rà soát lại công tác xây dựng, nội dung trong các quy hoạch bảo đảm phù hợp.

Về quản lý tổng hợp lưu vực sông

Theo quy định của Luật Tài nguyên nước 2012, Ủy ban lưu vực sông có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết việc điều hoà, phân phối nguồn nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường lưu vực sông, việc phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và tham gia, phối hợp giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng, liên địa phương trên các lưu vực sông liên tỉnh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Mặc dù, trong các năm vừa qua, đã hình thành các tổ chức lưu vực sông là bước khởi đầu để thực hiện nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông kết hợp với quản lý theo đơn vị hành chính. Đây là một mô hình quản lý tiên tiến mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn đóng góp cho công tác quản lý tài nguyên nước của các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động còn rất hạn chế, chủ yếu là tổ chức các cuộc họp, chia sẻ thông tin mà không đưa ra các quyết định có hiệu lực thực thi mang giá trị thiết thực trên lưu vực.

Các vấn đề mang tính liên ngành, như: quy hoạch, khôi phục và phát triển rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh.

Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước

Đối với lưu vực sông Hồng-Thái Bình, việc hợp tác với Trung Quốc mới dùng lại ở mức trao đổi một ít số liệu, còn số liệu, quy trình sử dụng nước là chưa thực hiện được. Đối với lưu vực sông Mê Công, hiện nay, chỉ có 4 nước trên lưu vực là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tham gia Hiệp định Mê Công năm 1995, là thành viên của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, còn 2 nước Trung Quốc và Myanmar mới chỉ là đối tác đối thoại, chưa phải là thành viên của Ủy hội.

Bên cạnh đó, vấn đề cần quan tâm nữa là các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam vẫn chưa tham gia Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy 1997 thì các quy định của Công ước chưa thể được áp dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước giữa Việt Nam với các nước có chung nguồn nước. Trong khi đó, thời gian gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn có chung nguồn nước với Việt Nam đều tăng cường khai thác lợi ích từ nguồn nước liên quốc gia cho phát triển kinh tế - xã hội và các xung đột lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn với hạ nguồn trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia ngày càng rõ nét, đang làm hạn chế khả năng các quốc gia trong khu vực cùng tham gia Công ước.

Về nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước và sự phối hợp giữa các bộ, ngành và giữa các địa phương

Hiện nay, khung pháp lý về quản trị tài nguyên nước đã tương đối toàn diện, cơ cấu thể chế đã được quy định khá rõ ràng, tuy nhiên các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nguồn nước xuyên biên giới còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành cũng là một thách thức lớn cùng với đó vẫn còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; thiếu nguồn lực cho công tác quản lý... Đầu tư và tài chính ngành nước đang thiếu hụt so với nhu cầu, thiếu cơ chế thu hút nguồn tài chính từ khối tư nhân; các công cụ kinh tế áp dụng trong cấp nước, xả nước thải, khai thác, sử dụng nước, chính sách thủy lợi phí còn thiếu, chưa phát huy tác dụng khuyến khích và điều tiết việc khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, bền vững cũng như phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm nước hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương còn nhiều bất cập, cho đến nay hầu hết tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên nước ở cấp tỉnh cũng như cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước theo quy định của Luật tài nguyên nước năm 2012 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.