Cơ chế tài chính cho ứng phó với BĐKH còn nhiều hạn chế

Tin tức - Sự kiện 11/09/2020

Cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư, cung cấp tài chính và phối hợp giữa các chủ thể trong ứng phó với BĐKH.

Huy động nguồn lực tài chính quốc tế, quỹ đa phương về BĐKH còn hạn chế. Một số doanh nghiệp tư nhân cũng đã tham gia vào các hoạt động ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế. Nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư cho BĐKH chủ yếu dựa vào vốn vay từ hệ thống ngân hàng (chiếm khoảng 70 %), một phần đến từ thị trường vốn vay (khoảng 20 –30 %) và phần còn lại đến từ các kênh tài chính khác. Ngoài ra, cơ chế phân bổ vốn cho ứng phó BĐKH còn bất cập. Nguồn lực tài chính dành nhiều cho các hoạt động ứng phó trực tiếp, chỉ một phần nhỏ nguồn ngân sách được dành cho hoạt động nghiên cứu và xây dựng chính sách về BĐKH. 

Hiện nay chưa có dòng ngân sách riêng cho ứng phó với BĐKH mà được hòa chung với ngân sách về môi trường. Từ năm 2012 đến nay, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH có chuyển biến tích cực, có xu hướng tăng theo các năm. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính trong ứng phó với BĐKH còn thiếu, việc giải ngân còn chậm, sử dụng còn phân tán, chưa hiệu quả; chưa tận dụng các cơ hội từ BĐKH để phát triển kinh tế-xã hội; nguồn vốn từ tài trợquốc tế cho ứng phó với BĐKH đang có xu hướng giảm rõ rệt.