Các cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA liên quan đến tài nguyên và môi trường

Tin tức - Sự kiện 13/08/2020

Các vấn đề mới trong Hiệp định CPTPP và EVFTA chủ yếu quy định về chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và mau phục hồi; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và một số vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác hải sản tự nhiên; hàng hóa, dịch vụ môi trường.

Các quy định về tham vấn cộng đồng, sự tham gia của người dân trong thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường của nhà nước, quy định về minh bạch và sự công bằng, công khai trong tố tụng tư pháp, tố tụng hành chính trong bảo vệ môi trường, tuy không mới đối với nước ta, song yêu cầu về nội dung và hình thức có nhiều điểm mới và có tính ràng buộc thực thi cao hơn như: phải sử dụng các cơ chế tham vấn hiệu quả với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường; công bố công khai, thích hợp các thông tin về các chương trình và hoạt động của mình, bao gồm cả các chương trình hợp tác quốc tế; điều này không chỉ dừng lại ở mức độ truyền đạt thông tin mà còn phải thực hiện các biện pháp để người dân được tham gia và tham gia được các dự án bảo vệ môi trường, các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã …. Vấn đề minh bạch và quyền tiếp cận thông tin cũng như công khai, bình đẳng trong quá trình tố tụng tư pháp hoặc tố tụng hành chính ở nước ta cần tiếp tục được hoàn thiện và bảo đảm hiệu lực thi hành. Trong các vấn đề này, ở nước ta, trở ngại gặp phải chủ yếu là việc thực thi pháp luật. Do đó, cần phải có cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi để bảo đảm các quy định này thực hiện đúng trên thực tế.

Các vấn đề mới trong Hiệp định CPTPP và EVFTA chủ yếu quy định về chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và mau phục hồi; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và một số vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác hải sản tự nhiên; hàng hóa, dịch vụ môi trường.

Về chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và mau phục hồi, tuy không phải là nghĩa vụ bắt buộc nhưng là mục tiêu cần hướng tới của các nước trong CPTPP và EVFTA. Thỏa thuận này vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội của Việt Nam khi ký kết Hiệp định CPTPP và EVFTA vì một mặt việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và mau phục hồi với các nội dung đa dạng, phải thực hiện một cách đồng bộ là yêu cầu mới đối với thực tiễn phát triển ở nước ta. Khó khăn gặp phải chủ yếu là việc xây dựng chiến lược, hoàn thiện pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước để thực thi có hiệu quả và có cơ chế bảo đảm việc triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, Hiệp định cũng mở ra cơ hội hợp tác, hỗ trợ để cùng nhau xây dựng nền kinh tế phát thải thấp và mau phục hồi với các lĩnh vực hợp tác đa dạng như: sử dụng hiệu quả năng lượng; phát triển công nghệ với chi phí thấp và ít phát thải, các nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo; giao thông vận tải và sự phát triển bền vững cơ sở hạ tầng đô thị; giải quyết việc phá rừng và suy thoái rừng; giám sát chất thải; cơ chế thị trường và phi thị trường; sự phát triển ít phát thải, mau phục hồi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các lĩnh vực này.

Về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hiện nay, pháp luật trong nước chủ yếu quy định các quyền kinh doanh của doanh nghiệp và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước mà chưa thực sự có các quy định hiệu quả bảo đảm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như tự nguyện áp dụng vào các chính sách và thông lệ của mình những nguyên tắc trách nhiệm xã hội có liên quan đến môi trường và cơ chế tự nguyện để nâng cao biểu hiện môi trường của mình. Đây là vấn đề tương đối mới, phương thức mới để xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường ở nước ta.

Cam kết bảo tồn đa dạng sinh học trong Hiệp định đã được nước ta thực hiện từ lâu và tương đối đầy đủ, tuy nhiên có một số vấn đề mới, yêu cầu phải được thực thi một cách mạnh mẽ hơn đó là: (1) Tôn trọng, giữ gìn và duy trì kiến thức và thực tiễn của các cộng đồng bản địa và địa phương tiêu biểu cho lối sống truyền thống góp phần vào việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học là yêu cầu cấp thiết để thực hiệu quả việc bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời bảo đảm sinh kế bền vững của nhân dân vùng bảo tồn đa dạng sinh học. (2) Tăng cường hợp tác và tham vấn với các tổ chức phi chính phủ quan tâm nhằm tăng cường thực hiện các biện pháp để chống lại việc khai thác và buôn bán trái phép động thực vật hoang dã. Theo đó nhà nước cần có cơ chế nâng cao vai trò của tổ chức phi chính phủ, bảo đảm sự tham gia của họ vào xây dựng và thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học cũng như bảo vệ động vật hoang dã (3) Về cam kết đánh bắt hải sản tự nhiên. Các bên phải vận hành một hệ thống quản lý nghề cá bảo đảm ngăn chặn đánh bắt quá mức và quá tải thủy sản; ngăn chặn khai thác các loài động vật chưa trưởng thành và thúc đẩy sự phục hồi của đàn cá đã bị khai thác quá mức; xóa bỏ tất cả các khoản trợ cấp đóng góp cho việc đánh bắt quá mức và quá tải. Có thể nói đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong việc thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học cũng như việc đánh bắt hải sản tự nhiên, vì hiện nay việc đánh bắt hải sản tự nhiên ở nước ta chủ yếu là đánh bắt nhỏ lẻ, gần bờ, tập quán đánh bắt tận thu, chưa quan tâm đến việc phục hồi tài nguyên hải sản và nhà nước còn thực hiện nhiều chính sách khuyến khích ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ. Do vậy, với quy định nghiêm ngặt trong việc khai thác quá mức, quá tải và khai thác loài động vật chưa trưởng thành cũng như cấm các khoản trợ cấp của Hiệp định sẽ buộc nước ta phải thay đổi nhiều quy định về đánh bắt hải sản, các chính sách phát triển nghề cá cũng như phải thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nghề cá ở nước ta.

Về hàng hóa, dịch vụ môi trường, tuy đã có nhiều quy định về kinh doanh, dịch vụ về môi trường như quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, điều kiện của tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường, song các quy định này còn thiếu chưa thể thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường ở nước ta. Việc gia nhập TPP sẽ giúp trao đổi hàng hóa, dịch vụ môi trường giữa các nước diễn ra dễ dàng hơn, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường trong nước và là cơ hội để thúc đẩy phát triển nền kinh tế ít phát thải, mau phục hồi.