Phản ánh về một số vướng mắc, mâu thuẫn liên quan tới pháp luật về tài nguyên nước

Tin tức - Sự kiện 13/09/2020

Qua rà soát chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các Bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy có sự trùng lặp nội dung quản lý về cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.

Triển khai thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và phân công của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Hiện nay, qua rà soát, số lượng văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hơn 600 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, do vậy, cần có thời gian để rà soát và xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan. Liên quan tới lĩnh vực tài nguyên nước, bước đầu, Bộ đã tổng hợp được một số nhóm thông tin, phản ánh vướng mắc chính.

Theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước nói chung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải... có trách nhiệm quản lý tài nguyên nước theo hoạt động của ngành, cho các mục đích tương ứng như thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, thủy điện, cấp nước đô thị, giao thông thủy. Tuy nhiên, qua rà soát chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các Bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy có sự trùng lặp nội dung quản lý về cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, cụ thể như sau:

Theo quy định tại Điều 31 Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 43/2015/NĐ-CP về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thì tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước, trong khi đó Điều 43 Luật Thủy lợi lại quy định tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đang khai thác là trùng về nội dung cắm mốc đối với hồ chứa thủy lợi. Đồng thời, quy mô cắm mốc cũng quy định khác nhau: 1.000.000 m3 đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi (Điều 12 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP), 500.000 m3 đối với hồ chứa thủy điện (Điều 24 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước), 500.000 m3 đối với hồ chứa thủy lợi (Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi) dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho chủ hồ cùng một lúc phải thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và cắm mốc phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi.