Phản ánh về một số vướng mắc, mâu thuẫn liên quan tới pháp luật về khoáng sản

Tin tức - Sự kiện 23/08/2020

Thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và phân công của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Hiện nay, qua rà soát, số lượng văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tcó hơn 600 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, do vậy, cần có thời gian để rà soát và xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan. Liên quan tới lĩnh vực địa chất và khoáng sản, bước đầu, Bộ đã tổng hợp được một số nhóm thông tin, phản ánh vướng mắc chính.

Chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Khoáng sản về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án khai thác khoáng sản

Khoản 1 Điều 59 của Luật Khoáng sản năm 2010 quy định hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt bản sao giấy chứng nhận đầu tư. Quy định này là phù hợp với Luật Đầu tư năm 2005.

Luật Đầu tư năm 2014 đã bỏ quy định về Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước. Để bảo đảm cho việc triển khai quy định này của Luật Đầu tư, Khoản 3 Điều 66 của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã có quy định: “3. Trường hợp pháp luật quy định thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng dự án đầu tư không thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì chủ đầu tư không phải nộp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”. Như vậy, quy định nêu trên đã bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc triển khai Luật Đầu tư năm 2014 (được thống kê tại Bản rà soát quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh có mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng được nêu trong Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kèm theo Công văn số 3051/UBPL14 ngày 11 tháng 3 năm 2020 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội).

Về đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chính sách mới được ban hành tại Chương IX Luật Khoáng sản năm 2010 và được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc ban hành Nghị định số 22/2012/NĐ-CP là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 được ban hành, theo đó, trình tự, thủ tục đấu giá phải thực hiện theo Luật này. Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP không còn phù hợp, cụ thể là các nhóm các quy định về: tiền đặt trước, đối tượng tham gia đấu giá, quy định về thành lập Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Thu hồi đất trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm triển khai việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản theo thẩm quyền cấp phép quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản; chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc lập kế hoạch thu hồi đất đai khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo về kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản”.

Theo quy định tại Điểm đ khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, việc thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận thu hồi bao gồm: “Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản”. Tại Khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản, phân cấp thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với “khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố…”. Như vậy, trường hợp khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thuộc trường hợp thu hồi đất mà phải tự thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Điều này gây khó khăn khi đền bù, giải phóng mặt bằng (sau khi được cấp phép khai thác). Đặc biệt, đối với trường hợp cấp phép thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì không khuyến khích được nhà đầu tư tham gia (do không bảo đảm sau khi trúng đấu giá thì có đền bù, giải phóng mặt bằng được không? Hoặc nếu được có thể tổng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng còn cao hơn giá trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản).

Về khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Hiện nay, có một số dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời, du lịch,… trên các diện tích đất được khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đây là nhu cầu thiết yếu để phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương cũng như đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất đai. Tuy nhiên, Điều 29 Luật Khoáng sản chưa có quy định cụ thể về thời gian dự trữ khoáng sản. Luật Đầu tư, Luật Đất đai cũng chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện các dự án đầu tư trên mặt tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các Dự án đầu tư như đã nêu ở trên.