Phản ánh về một số vướng mắc, mâu thuẫn liên quan tới pháp luật về đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý

Tin tức - Sự kiện 17/08/2020

Thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Hiện nay, qua rà soát, số lượng văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ có hơn 600 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, trong đó, liên quan tới lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý, bước đầu, Bộ đã tổng hợp được một số nhóm thông tin, phản ánh vướng mắc chính.

Thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ và phân công của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Hiện nay, qua rà soát, số lượng văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ có hơn 600 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, do vậy, cần có thời gian để rà soát và xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan. Liên quan tới lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý, bước đầu, Bộ đã tổng hợp được một số nhóm thông tin, phản ánh vướng mắc chính.

Tại Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng quy định: tổ chức khi hoạt động khảo sát xây dựng phải có chứng chỉ năng lực khảo sát xây dựng bao gồm khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình; cá nhân hành nghề khảo sát địa hình phải có chứng chỉ hành nghề xây dựng trong đó có nội dung khảo sát địa hình công trình xây dựng.

Tại Điều 29, Điều 42 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ đã quy định các nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép trong đó có nội dung “Đo đạc, thành lập bản đồ địa hình”, chứng chỉ hành nghề trong đó có nội dung “đo đạc, thành lập bản đồ bằng phương pháp đo trực tiếp”.

Như vậy, giữa hai quy định nói trên có sự chồng chéo, việc tổ chức, cá nhân phải có cả 02 loại giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ và chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề khảo sát địa hình công trình xây dựng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.