Tập trung giải quyết một số rào cản đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL

Tin tức - Sự kiện 29/08/2020

Dự án“Quản lý tổng hợp cảnh quan vùng lúa bền vững tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, Việt Nam” sẽ tập trung giải quyết một số rào cản đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

Hạn chế về tri thức và kinh nghiệm trong tiếp cận tổng hợp đối với công tác quy hoạch sử dụng đất

Mặc dù có cơ sở vững chắc về các cam kết chính sách về phát triển bền vững vùng ĐBSCL, tuy nhiên các tỉnh vẫn còn hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức và năng lực để áp dụng các cam kết này vào thực tế nhằm đảm bảo mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường một cách tổng hợp và bền vững.

Khái niệm Quản lý tổng hợp cảnh quan (QLTTCQ) vẫn còn mới đối với hầu hết các cán bộ ở Việt Nam, đặc biệt ở cấp địa phương. Theo phân công của Chính phủ, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm lập quy hoạch đất đai, nước và đa dạng sinh học ở cấp quốc gia. Ở cấp vùng, không có quy định chế cụ thể để quản lý tài nguyên thiên nhiên của cả vùng mà được giao cho từng tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, theo việc quy hoạch vùng hiện đã được triển khai theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.

Các công cụ lập kế hoạch và đầu tư mang tính chương trình ở ĐBSCL bị chi phối bởi các vấn đề về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và chưa đủ hỗ trợ cho việc lồng ghép quản lý các vấn đề về khả năng chống chịu có xem xét tính bền vững môi trường và phát triển kinh tế xã hội một cách tổng quan hơn. Các chương trình nghị sự mang tính chính sách vẫn được xem xét chủ yếu ở các cấp quản trị khác nhau (quốc gia, cấp tỉnh, địa phương và nhà tài trợ) và giữa các ngành khác nhau (ví dụ: các chương trình do các ban ngành đại diện), trong khi phát triển bền vững ĐBSCL là một mục tiêu nhiều mặt liên quan đến sự đa dạng của các thành phần liên quan và các lĩnh vực chính sách, đồng thời ảnh hưởng đến các chương trình nghị sự giữa các thành phần có liên quan cũng như giữa lĩnh vực này là chìa khóa để thúc đẩy sự đồng thuận mạnh mẽ đối với các mục tiêu quy hoạch vùng ĐBSCL.

Trên thực tế, sau hai năm thí điểm cơ chế điều phối vùng theo Quyết định 593/QĐ-TT và gần một năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, công tác điều phối vùng được triển khai khá chậm và gặp nhiều hạn chế. Ủy ban điều phối vùng và cơ sở dữ liệu vùng chưa được thành lập để ban hành kế hoạch hành động cho triển khai thực hiện. Việc thí điểm điều phối vùng theo Quyết định 593/QĐ-TT đã được giới hạn ở các dự án liên tỉnh dựa trên các thủ tục và cơ chế quản lý nhà nước hiện hành, tuy nhiên điều cần thiết là phải tháo gỡ các nút thắt và khoảng trống trong hệ thống hiện tại và chuyển sang cơ chế và thủ tục mới. Ví dụ, một sáng kiến mới và quan trọng trong Quyết định 593/QĐ-TT là thiết lập một “cơ chế tài chính đổi mới cho đầu tư cấp vùng”. Đây là một “bước tiến nhảy vọt” trong quản lý tài chính, tuy nhiên Luật Ngân sách Nhà nước xác định ngân sách chỉ có hai cấp: trung ương và địa phương. Quyết định 593/QĐ-TT nêu rõ việc phân bổ “mức tối thiểu 10% tổng mức đầu tư được phân bổ cho các tỉnh trong vùng từ ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án và chương trình điều phối vùng”.

Đồng thời, Nghị quyết 120/NQ-CP đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh, bổ sung và phân bổ ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ liên kết vùng. Bộ KHĐT đã ban hành Quyết định số 625/QĐ-BKHĐT năm 2017 quy định tiêu chí xác định các dự án điều phối cấp vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Quyết này đưa ra các hướng dẫn và chỉ số lựa chọn dự án nhưng cho đến nay vẫn chưa có dự án cấp vùng hoặc tiểu vùng nào được đệ trình lên chính phủ, điều này cho thấy những khó khăn mà các tỉnh phải đối mặt. Ngoài ra, các tỉnh cũng không tiếp cận được các nguồn vốn khác như hỗ trợ phát triển nước ngoài (ODA), các khoản vay ưu đãi và tín dụng từ các nhà tài trợ, và do đó nguồn lực tài chính cho các thỏa thuận đối tác công tư là rất hạn chế. Cần có các cơ chế tài chính cập nhật để thực hiện chương trình điều phối vùng thí điểm ở ĐBSCL.

Tóm lại, hiện tại có khá nhiều quy định pháp luật và quy hoạch tổng thể do Chính phủ ban hành để phát triển vùng và tiểu vùng, tuy nhiên các quy định này chưa đảm bảo được tính nhất quán và dẫn đến chồng chéo và vẫn còn những khoảng trống trong chính sách cần được cải thiện. Một số quy định pháp luật chưa được thực hiện hoặc thực hiện hạn chế ở cấp tỉnh vì thiếu hướng dẫn cụ thể. Các kế hoạch tổng thể thường được phát triển chủ yếu dựa trên các yêu cầu kỹ thuật và thiếu thông tin chi tiết về các thỏa thuận thể chế và tài chính cần thiết để thực hiện kế hoạch.

Thiếu năng lực và cơ chế ưu đãi cho quản lý hệ thống canh tác bền vững

Mặc dù hệ thống khuyến nông nông nghiệp công có diện bao phủ rộng và cung cấp số lượng lớn các lớp tập huấn cho nông dân, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc nông dân có thể áp dụng kỹ thuật ở mức độ tương xứng. Một trong những rào cản chính để nông dân tiếp nhận và đầu tư kỹ thuật mới sau khi được tập huấn đó là rủi ro và sự không chắc chắn về tiếp cận và mức độ tin cậy của thị trường đối với các sản phẩm từ hoạt động canh tác hay thực hành quản lý sản xuất phi truyền thống, như là các mô hình có thể mang lại lợi ích môi trường và bền vững dài hạn. Dịch vụ khuyến nông công thiếu năng lực và chưa được giao trách nhiệm cụ thể để hỗ trợ nông dân xác định và tiếp cận thị trường cho các sản phẩm sản xuất phi truyền thống.

Việc áp dụng mô hình canh tác bền vững bao gồm cả việc thu hút được mối quan tâm của nông dân đối với khía cạnh bền vững về mặt môi trường phụ thuộc không chỉ vào khoản hỗ trợ “một lần” về kỹ thuật và năng lực, mà còn đảm bảo nông dân có đủ năng lực để tiếp tục tiếp cận được với kiến thức, vật tư và nguồn tài chính trong dài hạn. Mặc dù đã có những chuyển biến lớn về năng lực của các tổ chức nông dân, tuy nhiên về tổng thể các tổ chức nông dân vẫn chưa có đẩy đủ nguồn lực để đối mặt với các thách thức liên quan đến quản lý bền vững về mặt môi trường và tham gia vào chuỗi giá trị xanh.

Sự tham gia của khối tư nhân và việc cân bằng với lợi ích bền vững môi trường và chuỗi giá trị xanh vẫn còn hạn chế, bất chấp việc có những mối quan tâm lớn trong thu mua sản phẩm sản xuất bền vững từ khối tư nhân, bao gồm cả trong nước lẫn quốc tế. Hiện tại, hỗ trợ cho sản xuất bền vững và chuỗi giá trị vẫn còn manh mún thiếu nhất quán. Các sáng kiến của khối tư nhân thiếu cơ chế điều phối hiệu quả và thống nhất đối với các hoạt động của chính phủ. Phối hợp giữa tư nhân và chính phủ là yếu tố quan trọng quyết định thành công của quá trình chuyển đổi hướng tới sản xuất bền vững theo định hướng Nghị quyết 120.

Vận hành hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị xanh, như là một đòn bẩy để tạo ra lợi ích cho nông dân, duy trì bền vững môi trường và đạt được mục tiêu bền vững của tổ chức, vẫn còn gặp trở ngại nhất định trong việc áp dụng tiêu chuẩn phù hợp và nhất quán về bền vững môi trường trong hệ thống sản xuất. Tiêu chuẩn SRP đã được thử nghiệm từ năm 2017, tuy nhiên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi thông quan các chương trình khuyến nông công và tư nhân. Mặc dù tiêu chuẩn SRP dựa vào thực tiễn sản xuất và có thể khá dễ dáng đáp ứng, tuy nhiên việc đáp ứng tiêu chuẩn SRP vẫn đòi hỏi nông dân không chỉ có kiến thức và năng lực kỹ thuật mà còn cần tiếp cận được thông tin, vật tư nông nghiệp, dụng cụ và máy móc.

 Cơ chế điều phối trong quy hoạch, hỗ trợ và đầu tư cho phục hồi hệ sinh thái

Một trong các thành phần trọng tâm của quản lý tổng hợp cảnh quan (QLTHCQ) đó là việc duy trì và phục hồi dòng chảy dịch vụ hệ sinh thái để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất bền vững. Một thách thức chính đó là việc chuyển đổi từ các quyết định đầu tư quy mô nhỏ và phân tán vào quản lý và phục hồi dịch vụ hệ sinh thái sang phương pháp tiếp cận có thể đáp ứng phù hợp và hiệu quả cho đặc điểm tự nhiên và không gia của dòng chảy dịch vụ hệ sinh thái. Hạn chế trong điều phối và nhất quán giữa ngành môi trường và nông nghiệp liên quan đến QLTHCQ cũng được thể hiện trong xác định ưu tiên, lập kế hoạch và thực hiện phục hồi dịch vụ hệ sinh thái. Ngoài ra, hiện tại vẫn thiếu công cụ quản lý, cơ chế quy hoạch và đối thoại có thể đảm bảo việc cân nhắc các vấn đề đa chiều, đa ngành cho phục hồi dịch vụ hệ sinh thái hiệu quả phù hợp với nguyên tắc của QLCQTH.