Đẩy mạnh ứng dụng viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh

Tin tức - Sự kiện 07/08/2020

Ngày 7/8/2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1740/QĐ-BTNMT1740/QĐ-BTNMT phê duyệt Đề án "Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám".

Mục tiêu tổng quát của Đề án là đẩy mạnh ứng dụng viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đưa công nghệ viễn thám trở thành một công cụ hiệu quả, thường xuyên cho phép cung cấp thông tin chi tiết, chính xác và cập nhật về hiện trạng tài nguyên và môi trường trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, các mục tiêu cụ thể gồm: (i) Giám sát được tài nguyên và môi trường trên lãnh thổ Việt Nam bằng công nghệ viễn thám theo từng lĩnh vực: Khí tượng thủy văn, biển và hải đảo, môi trường, địa chất và khoáng sản, đất đai, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước. (ii) Cung cấp các thông tin cập nhật về hiện trạng, diễn biến khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. (iii) Xây dựng được cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám dùng chung chi tiết, chính xác và cập nhật phục vụ cho công tác giám sát tài nguyên và môi trường.

Các nhiệm vụ chính của Đề án được phê duyệt tập trung vào: (i) Hoạt động thu nhận, xử lý dữ liệu ảnh viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường; (ii) Giám sát bằng công nghệ viễn thám về khí tượng, thủy văn: Đánh giá tác động của bão, mưa lớn và nắng nóng khu vực ven biển Việt Nam; Giám sát lũ quét, sạt lở đất khu vực vùng núi Việt Nam phục vụ nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai; (iii) Giám sát bằng công nghệ viễn thám về biển và hải đảo: Giám sát rác thải nhựa ven biển; Giám sát ô nhiễm dầu tại một số vùng biển Việt Nam; Theo dõi, cập nhật biến động bề mặt và ô nhiễm khu vực các đảo, quần đảo; (iv) Giám sát bằng công nghệ viễn thám về môi trường: Xây dựng hệ thống thông tin theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo ô nhiễm bụi trong môi trường không khí các khu vực đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam; Giám sát các bãi rác thải trên toàn quốc bằng công nghệ viễn thám; Thiết lập hệ thống theo dõi và cảnh báo hạn hán cho khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; (v) Giám sát bằng công nghệ viễn thám về địa chất và khoáng sản: Giám sát các tai biến địa chất tại các tỉnh miền núi Việt Nam bằng công nghệ viễn thám; Giám sát các hoạt động khai thác khoáng sản bằng công nghệ viễn thám; Giám sát sạt lở bờ sông, bờ biển; (vi) Giám sát bằng công nghệ viễn thám về quản lý đất đai: Xây dựng nền dữ liệu ảnh viễn thám phục vụ công tác quản lý đất đai; Theo dõi, giám sát một số loại hình sử dụng đất bằng công nghệ viễn thám; Giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giám sát hiện trạng đất nông, lâm trường theo Nghị định số 118/2014/NĐCP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ; (vii) Giám sát bằng công nghệ viễn thám về biến đổi khí hậu: Ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát phát thải khí các bon phục vụ việc tham gia thị trường các bon của Việt Nam; Giám sát sụt lún mặt đất khu vực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long; (viii) Giám sát bằng công nghệ viễn thám về tài nguyên nước: Điều tra, thống kê, phân loại lập danh mục các công trình hồ chứa, đập dâng trên toàn quốc bằng công nghệ viễn thám; Giám sát môi trường lưu vực sông Mê Công phần ngoài biên giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; (ix) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin không gian phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường; (x) Hoạt động quản lý và hỗ trợ.

Sản phẩm của Đề án bao gồm các kết quả, báo cáo, sản phẩm như sau: Kết quả thu nhận, xử lý dữ liệu ảnh viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường; Cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường; Cơ sở dữ liệu chuyên đề kết quả giám sát tài nguyên và môi trường; Các hệ thống nghiệp vụ, bộ công cụ; Báo cáo phân tích, đề xuất giải pháp; Các sản phẩm khác, sản phẩm trung gian (nếu có).

Thời gian thực hiện Đề án gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ năm 2020 đến năm 2025; tiếp đó cập nhật theo chu kỳ 5 năm/1 lần.