Xây dựng và thể chế hóa các văn kiện của Đảng về tài nguyên, môi trường

Tin tức - Sự kiện 13/08/2020

Trên cơ sở những thành tựu đạt được về lý luận trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian qua đã cung cấp luận cứ khoa học vững chắc cho các Kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp Ủy, đảng, chính quyền các cấp ban hành các Nghị quyết, chỉ thị và từng bước thể chế hóa trong hệ thống pháp luật để triển khai trên thực tiễn

Năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ CNH và HĐH đất nước. Năm 2004, Bộ Chính trị (Khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 về “bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” với mục đích điều chỉnh các hoạt động của xã hội trong giai đoạn quá độ tiến tới một nền sản xuất công nghiệp và xa hơn nữa là kinh tế tri thức. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung và phát triển năm 2011) với 08 phương hướng lớn và Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2011-2020 với những quan điểm, mục tiêu, định hướng cụ thể hơn so với Cương lĩnh.

Trong giai đoạn vừa qua, để các lĩnh vực của ngành TN&MT đáp ứng bối cảnh, tình hình trong và ngoài nước, Trung ương đã kịp thời cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bằng các Văn kiện trong các nhiệm kỳ Đại hội XI, XII như: Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về “Định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Chỉ thị số 13- CT/TW của Ban Bí thư ngày 12/01/2017 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kết luận số 36-KL/TW ngày 06 /9/2018 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn một số Nghị quyết chuyên ngành khác cũng đưa ra các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành TN&MT như: Nghị quyết về “một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; Nghị quyết về “chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”; Nghị quyết “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN”; Nghị quyết về “Hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN”; Nghị quyết về “tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; Nghị quyết về “nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”.