Tác động từ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nông thôn đến tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam

Tin tức - Sự kiện 12/08/2020

Quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng với số lượng các ngành sản xuất kinh doanh, các KCN và dịch vụ đô thị ngày càng phát triển đã tạo ra dòng di cư từ nông thôn ra thành thị. Phát triển kinh tế và đô thị hóa đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, tuy nhiên, cũng tạo nên sức ép về mọi mặt đối với môi trường, làm tăng lượng CTR phát sinh, đặc biệt là CTRSH.

CTRSH tại các đô thị chiếm đến hơn 50% tổng lượng CTRSH của cả nước, tăng từ 32.000 tấn/ngày năm 2014 lên 35.624 tấn/ngày trong năm 2019 (Bộ TNMT, 2015 & 2019a). Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý không đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong những năm gần đây ô nhiễm môi trường từ CTRSH, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội.

Pháp luật về BVMT quy định việc xử lý CTR bằng phương pháp chôn lấp phải đảm bảo hợp vệ sinh, tuy nhiên, trên địa bàn cả nước chỉ có một số bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các đô thị lớn. Tất cả các bãi chôn lấp lộ thiên, bãi đổ tạm trên cả nước đều chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định pháp luật, là nguồn gây ô nhiễm không khí với mùi hôi thối phát tán đến khu vực xung quanh làm ảnh hưởng đến sức khỏe và làm đảo lộn cuộc sống của cư dân. Tuy nhiên, không chỉ các bãi lộ thiên, bãi đổ tạm gây ô nhiễm môi trường mà ngay cả các bãi chôn lấp hợp vệ sinh cũng tồn tại nhiều vấn đề môi trường gây bức xúc. Cả nước có 116 bãi rác thuộc đối tượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020), và đến 2019 mới chỉ có 08 bãi rác hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động tại khu vực nông thôn tương đối chậm, tuy nhiên, cơ cấu ngành sản xuất ở nông thôn đang ngày càng đa dạng và được đẩy mạnh. Song song với sự chuyển biến tích cực trong phát triển nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội vẫn còn lạc hậu, vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều vấn đề bất cập. CTRSH phát sinh tại khu vực nông thôn có khối lượng ngày càng tăng, từ 18.200 tấn/ngày trong năm 2011 lên 28.394 tấn/ngày trong năm 2019 (Bộ TNMT, 2012 & 2019a).  Mặc dù dân số khu vực nông thôn cao gấp hai lần dân số đô thị nhưng khối lượng CTRSH phát sinh chỉ chiếm khoảng 45% tổng lượng CTRSH của cả nước. Hiện nay, CTRSH phát sinh tại nhiều vùng nông thôn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định và là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nông thôn.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động tại khu vực nông thôn tương đối chậm, tuy nhiên, cơ cấu ngành sản xuất ở nông thôn đang ngày càng đa dạng và được đẩy mạnh. Song song với sự chuyển biến tích cực, nông thôn Việt Nam vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém: phát triển thiếu quy hoạch, tự phát, những nơi có quy hoạch thì chất lượng quy hoạch chưa cao; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn lạc hậu, vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều vấn đề bất cập. Những hạn chế này đã dẫn đến thực trạng là môi trường nông thôn đang ngày càng bị ô nhiễm. Một trong những nguyên nhân chính của ô nhiễm môi trường nông thôn là do CTR từ hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, CTR từ hoạt động làng nghề và CTRSH.

Nếu trước năm 70 của thế kỷ thứ 20, hầu hết CTR nói chung và CTRSH nói riêng ở nông thôn được tái sử dụng (hầu như không có thành phần nhựa, chất thải thực phẩm được tận dùng hoàn toàn vào việc chăn nuôi gia cầm, gia súc, phân động vật và xác động thực vật được sử dụng làm phân hữu cơ…), thì từ khoảng 20 năm trở lại đây, khi phân vô cơ được sử dụng đại trà cho hoạt động phát triển nông nghiệp, thức ăn công nghiệp tiện lợi, nhiều loại bao bì bền, rẻ ra đời…, CTR nói chung và CTRSH nói riêng đã phát sinh với khối lượng ngày càng tăng ở các vùng nông thôn.