Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý chất thải rắn

Tin tức - Sự kiện 07/08/2020

Để thực hiện công tác quản lý CTR, hầu hết các quốc gia đã ban hành khung pháp lý, đưa ra các chính sách để thúc đẩy tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu chất thải, tăng cường tái chế.

Hàn Quốc

Đạo luật Thúc đẩy tiết kiệm và tái chế tài nguyên ban hành năm 1992 và sửa đổi vào năm 2008 đưa ra quy định khung về tái chế chất thải như kế hoạch tái chế cơ bản, vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân trong việc thúc đẩy tái chế chất thải và các điều khoản liên quan đến giảm thiểu chất thải; Nền tảng của Đạo luật này là việc giảm thiểu phát sinh chất thải, bao gồm: (i) Hệ thống thu phí dựa trên khối lượng áp dụng cho các hộ gia đình và khu vực thương mại nhỏ; (ii) hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần đối với các doanh nghiệp; và (iii) hạn chế sử dụng vật liệu đóng gói khó tái chế.

Đạo luật về Tuần hoàn tài nguyên xe cộ và sản phẩm điện và điện tử nhằm thúc đẩy tái chế chất thải từ các thiết bị điện và điện tử bằng cách quy định nghĩa vụ tái chế của các nhà sản xuất và nhập khẩu xe và hàng điện; đưa ra quy định khung về tái chế chất thải, nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân trong việc thúc đẩy tái chế chất thải và các điều khoản liên quan đến giảm thiểu chất thải. Năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố Hệ thống Phí xử lý chất thải thực phẩm dựa trên khối lượng. Theo chương trình tính phí theo khối lượng, các hộ gia đình được yêu cầu phải trả dựa trên lượng chất thải thực phẩm phát sinh. Việc chôn lấp trực tiếp chất thải thực phẩm đã bị cấm vào năm 2005.

Nhật Bản

Nhật Bản đã ban hành rất nhiều đạo luật để thúc đẩy tái chế chất thải, có thể kể đến: Đạo luật cơ bản để thiết lập xã hội tuần hoàn vật chất, thiết lập kế hoạch cơ bản cho việc thiết lập một xã hội tuần hoàn vật chất. Dưới đó là hai Luật quan trọng là: Luật quản lý chất thải, quy định việc kiểm soát phát sinh chất thải, xử lý phù hợp, quy định cơ chế vận hành quản lý chất thải, thiết lập tiêu chuẩn về chất thải; Luật Thúc đẩy sử dụng tài nguyên hiệu quả, khuyến khích sử dụng các cấu trúc và vật liệu dễ dàng tái chế, quy định ghi nhãn để thu gom từng loại chất thải tại nguồn và thúc đẩy sử dụng hiệu quả các sản phẩm.

Các đạo luật liên quan đến các đối tượng cụ thể: Đạo luật Tái chế thực phẩm; Đạo luật Tái chế Container và Bao bì; Đạo luật Tái chế các loại thiết bị gia dụng; Đạo luật Tái chế Vật liệu Xây dựng; Đạo luật Tái chế phương tiện hết hạn; Đạo luật Tái chế Thiết bị Gia dụng nhỏ.

Úc

Năm 2018, Chính phủ Úc đã ban hành “Chính sách xử lý chất thải quốc gia - Càng ít rác thải, càng nhiều tài nguyên” thể hiện quan điểm về một nền kinh tế tuần hoàn, chuyển từ ‘lấy, thực hiện, sử dụng” thành cách tiếp cận theo vòng đời, chu trình, mục tiêu duy trì giá trị tài nguyên càng lâu càng tốt. Chính sách chất thải quốc gia năm 2018 cung cấp khung pháp lý thiết lập các nội dung thực hiện cho các doanh nghiệp, chính phủ, cộng đồng và cá nhân để thực hiện cho đến năm 2030.

Năm nguyên tắc sau đây làm cơ sở cho việc quản lý chất thải, tái chế và thu hồi tài nguyên trong nền kinh tế tuần hoàn tại Úc: (i) Tránh lãng phí: Ưu tiên tránh lãng phí, khuyến khích sử dụng, tái sử dụng và sửa chữa hiệu quả; Thiết kế các sản phẩm để giảm thiểu chất thải theo hướng có thời gian sử dụng lâu dài đồng thời dễ dàng thu hồi vật liệu khi thải bỏ; (ii) Cải thiện phục hồi tài nguyên: Cải thiện hệ thống và quy trình thu gom nguyên liệu để tái chế; Cải thiện chất lượng vật liệu tái chế để sản xuất; (iii) Tăng cường sử dụng vật liệu tái chế và xác định nhu cầu và thị trường cho các sản phẩm tái chế; (iv) Quản lý tốt hơn các luồng vật chất để mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, môi trường và nền kinh tế; (v) Cải thiện hệ thống thông tin để hỗ trợ đổi mới, hướng dẫn đầu tư và tiếp cận đến người tiêu dùng.

Đài Loan

Từ năm 1997, Cục BVMT Đài Loan bắt đầu triển khai chương trình tái chế 4 trong 1, trong đó có 4 thành phần tham gia trong 1 chương trình. Yêu cầu của từng thành phần như sau: (i) Cộng đồng dân cư phải phân loại rác thải phát sinh từ hộ gia đình thành chất thải có thể tái chế, chất thải không tái chế và chất thải hữu cơ; (ii) Những doanh nghiệp tái chế và thu gom: Các doanh nghiệp mua chất thải tái chế theo quy định để thu hồi nguyên liệu và tạo ra doanh thu từ hoạt động này; (iii) Chính quyền địa phương: Tổ chức các nhóm thu gom CTRSH từ cộng đồng dân cư, bán cho các doanh nghiệp tái chế. Một phần doanh thu từ việc bán rác thải được dành cho việc hỗ trợ các tổ, đội thu gom rác thải ở cộng đồng dân cư; (iv) Quỹ tái chế: Trong chương trình này yêu cầu, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng một khoản kinh phí vào Quỹ tái chế tương ứng với lượng hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường. Kinh phí này sẽ được sử dụng để hỗ trợ công tác thu gom, cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp tái chế CTR.