Kinh nghiệm sử dụng công cụ tài chính trong quản lý chất thải rắn

Tin tức - Sự kiện 12/09/2020

Tại mỗi quốc gia khi thực hiện quản lý CTR đã áp dụng nhiều công cụ khác nhau như: Công cụ mệnh lệnh kiểm soát; Công cụ kinh tế; Công cụ giáo dục, truyền thông.

Trên thế giới khi thực hiện quản lý CTR đã áp dụng nhiều công cụ khác nhau như: Công cụ mệnh lệnh kiểm soát; Công cụ kinh tế; Công cụ giáo dục, truyền thông. Trong các nhóm công cụ trên, công cụ kinh tế được các quốc gia sử dụng trong quản lý CTR với khá nhiều hình thức khác nhau. Quản lý CTR thường chiếm khoảng 20% tổng chi phí hoạt động của chính quyền đô thị tại các quốc gia có thu nhập thấp, hơn 10% đối với các quốc gia có thu nhập trung bình và 40% đối với các quốc gia có thu nhập cao. Các hệ thống quản lý CTR hiện đại hơn có chi phí từ 50 - 100 USD/tấn hoặc có thể cao hơn. Phí CTR tùy thuộc vào thu nhập, giao động từ 37 - 168 USD/năm cho hộ gia đình và từ 155 - 314 USD/năm cho CTR thương mại. Chỉ ở các quốc gia có thu nhập cao, nguồn thu từ phí rác thải đủ để vận hành hệ thống quản lý CTR. Hầu hết các quốc gia thu nhập thấp và một số ít quốc gia thu nhập cao như Hàn Quốc và Nhật Bản, hoạt động quản lý CTR được trợ cấp từ nguồn ngân sách. Các quốc gia đã sử dụng công cụ tài chính trong quản lý CTR, trong đó có thể kể đến các công cụ nổi bật như sau:

Phí sản phẩm là các khoản phí được tính trên các sản phẩm có tác động bất lợi đến môi trường khi được sử dụng trong sản xuất/tiêu thụ hoặc trong quá trình xử lý. Tại Hàn Quốc, các loại các sản phẩm, bao bì và nguyên liệu: (i) chứa các chất độc hại; (ii) khó tái chế; (iii) có thể gây ra các vấn đề quản lý sau này khi chúng trở thành chất thải; (iv) không thích hợp cho việc thu gom hoặc tái chế riêng biệt sẽ phải chịu loại phí này.

Hệ thống thu phí rác thải dựa trên khối lượng được nghiên cứu và áp dụng ở Seoul (Hàn Quốc) là một giải pháp để giảm khối lượng rác thải phát sinh. Hệ thống tính phí này dựa trên nguyên tắc kinh tế là người gây ô nhiễm phải trả tiền. Theo đó người dân sẽ phải trả phí thu gom chất thải dựa trên khối lượng chất thải phát sinh, càng thải nhiều rác sẽ phải đóng phí càng nhiều.

Hệ thống hoàn trả tiền gửi với hệ thống này, khoản tiền gửi được thanh toán cho các sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm. Khi người sử dụng tránh được ô nhiễm bằng cách trả lại sản phẩm hoặc số dư, khoản tiền này sẽ được hoàn lại.

Hệ thống trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng, đây là hệ thống được xây dựng từ năm 2003 nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế đối với các sản phẩm điện, điện tử, lốp xe, chất bôi trơn, pin, đèn huỳnh quang, phao xốp và các vật liệu đóng gói. Các doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trong việc thu gom và tái chế các sản phẩm ở cuối vòng đời theo quy định. Bộ Môi trường thiết lập tỷ lệ tái chế bắt buộc hàng năm của các sản phẩm thuộc nhóm này.