Phát triển ngành công nghiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tin tức - Sự kiện 21/08/2020

Có 3 lựa chọn giải pháp công nghệ phổ biến trên thế giới cho việc xử lý CTR, đó là chôn lấp, thu hồi năng lượng và tái chế.

So sánh tác động môi trường của 3 giải pháp này cho thấy phát thải CO2 từ chôn lấp là lớn nhất (>1,2 tấn CO2/tấn CTRSH), tiếp đến là xử lý cơ - sinh học (~75% chôn lấp) và ít nhất là thu hồi năng lượng (~20% chôn lấp). Chi phí đầu tư cho chôn lấp thấp nhất và lớn nhất là thu hồi năng lượng (lớn hơn chôn lấp 54%). Dựa vào các tiêu chí môi trường như tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu và sử dụng đất, phát thải khí và nước, các rủi ro thì thu hồi năng lượng là giải pháp thuận lợi nhất.

Nhật Bản xả tổng cộng 45.360.000 tấn rác mỗi năm, xếp thứ 8 trên thế giới (theo số liệu của Waste Atlas). Do không có nhiều đất để chôn rác như Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản buộc phải dựa vào giải pháp khác là đốt rác. Tokyo đang là thành phố thành công nhất trên thế giới trong lĩnh vực xử lý rác thải với chỉ 1% lượng rác được thải ra môi trường. Hiện tại, dân số Tokyo vào khoảng 9,2 triệu người, mỗi ngày lượng rác sinh hoạt thải ra khoảng 9.000 tấn, và gần như 100% được đưa thẳng đến nhà máy đốt. Rác sau khi được nghiền và ép thành khối bằng nhau sẽ được đốt ở 800°C, ở nhiệt độ này, rác sẽ giảm thể tích và khối lượng xuống chỉ còn 1/20. Nguyên lý của công nghệ xử lý rác thải ở Tokyo gồm 3 bước: nghiền - ép - đốt, rác sau khi được thu gom sẽ được nghiền và ép thành từng khối lớn có kích thước bằng nhau để khi đốt tiết kiệm được thể tích lò đốt, tiết kiệm thời gian và công sức của công nhân nhà máy.

Ở Đan Mạch, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thu gom và xử lý rác thải. Luật của Đan Mạch cấm đốt những chất thải có thể tái chế được. Các địa phương có thể đổ chất thải có thể tái chế được ở những trung tâm tái chế, mà không phải trả lệ phí. Tuy nhiên, họ sẽ bị phạt nặng nếu đưa chất thải có thể tái chế được vào lò đốt. Tại nhà máy Vestforbraending ở Copenhagen, nhà máy xử lý chất thải kiểu mới lớn nhất của Đan Mạch, xe tải chở chất thải phải dừng lại ở trạm cân xe trước khi vào nhà máy đổ rác. Rác được kiểm tra ngẫu nhiên để phát hiện chất thải có thể tái chế được và những người vi phạm bị phạt rất nặng.

Ở Hàn Quốc, cách quản lý chất thải giống với Nhật Bản, nhưng cách xử lý rác thải lại có phần khác. Rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng làm giá thể nuôi trồng nấm thực phẩm, phần lớn hơn được chôn lấp có kiểm soát để thu hồi khí biôga cung cấp cho phát điện. Sau khi rác tại hố chôn phân huỷ hết, tiến hành khai thác mùn ở bãi chôn làm phân bón. Như vậy, tại các nước phát triển việc phân loại rác tại nguồn đã được tiến hành cách đây khoảng 30 năm và đến nay cơ bản đã thành công trong việc tách rác thành 2 dòng hữu cơ dễ phân huỷ được thu gom xử lý hàng ngày, rác khó phân huỷ có thể tái chế hoặc đốt, chôn lấp an toàn được thu gom hàng tuần.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa quản lý CTRSH với mức thu nhập bình quân của quốc gia: CTRSH được quản lý tốt hơn ở các nước có thu nhập cao, yếu kém hơn ở các nước có thu nhập thấp. So sánh với mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam có lượng phát sinh CTRSH gia tăng nhanh, có tỷ lệ thu gom CTRSH tương đối cao, tuy nhiên, tỷ lệ tái chế còn thấp. Mặt khác, trong khoảng 20 - 30 năm qua, tư duy về quản lý CTR trên thế giới đã có nhiều thay đổi: từ “tiêu hủy” đến “quản lý” đến “quản lý tổng hợp”; từ “chất thải” đến “coi chất thải là tài nguyên”; từ nền “kinh tế tuyến tính” (linear economy) sang “nền kinh tế tuần hoàn” (circular economy).

Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý CTRSH; thực hiện nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên; tiếp cận theo phương thức kinh tế tuần hoàn; tăng cường giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, thu hồi năng lượng và giảm tối đa lượng CTRSH phải chôn lấp. Tiếp cận và triển khai kinh tê tuần hoàn là xu hướng chung của toàn cầu, được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore…. Đặc biệt, ở một số nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, mô hình kinh tế tuần hoàn đã đem lại hiệu quả cao, xử lý triệt để chôn lấp CTR, thậm chí thiếu CTR cho đầu vào sản xuất.