Đánh giá thực trạng lấn biển tại Việt Nam

Tin tức - Sự kiện 12/08/2020

Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được giao xây dựng Hồ sơ đề xuất Nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động lấn biển.  Ngày 19 tháng 4 năm 2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3606/VPCP-NN  về việc đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ về lấn biển, trong đó, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Căn cứ quy định tại điều 87 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Báo cáo đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị định quy định về lấn biển, trong đó có hiện trạng lấn biển tại Việt Nam.

Việt Nam với lợi thế có nhiều khu vực biển ven bờ nông, nhiều bãi bồi, rất thuận lợi cho hoạt động lấn biển. Vì vậy, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời. Nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã và đang được thực hiện[1]. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, ở Việt Nam hiện có 71 khu lấn biển tại 19 tỉnh thành ven biển. Nhìn chung, hoạt động lấn biển xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển với quy mô khác nhau nhưng chỉ có một số khu vực lấn biển có quy mô lớn như tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang… Việc lấn biển đã trở thành một hướng mở tích cực cho các đô thị, khu vực ven biển, khẳng định một hướng phát triển cần thiết cho tương lai; đây không chỉ là giải pháp để mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị thu được thì hoạt động lấn biển cũng có rất nhiều vấn đề phải quan tâm, giải quyết. Các công trình, hoạt động lấn biển có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan; ảnh hưởng, làm thay đổi chế độ thủy động lực của khu vực, làm thay đổi dòng chảy ven bờ, gây bồi lắng, sạt lở ở khu vực lân cận và gây xói lở bờ, làm mất an toàn cho chính các công trình; hoạt động lấn biển cũng có thể gây ra tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các nguồn lợi, tác động tới đời sống của người dân ven biển.

Việc quai đê, lấn biển phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chủ yếu ở các vùng cửa sông lớn giàu phù sa và đào hút cát nuôi tôm trong vùng đất cát phục vụ phát triển thủy sản đã và đang tác động đáng kể đến tài nguyên và môi trường ven biển. Việc mở rộng đầm tự phát, làm cho nhiều loài thủy sinh, động vật ven biển, cửa sông giảm đáng kể.

Tại các khu vực lấn biển, chất thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư và các chất thải khác của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, dịch vụ có khả năng gây ô nhiễm trên diện rộng, làm suy thoái môi trường và các hệ sinh thái biển ở các khu vực lân cận. Chưa kể đến nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ hoạt động lấn biển có thể dẫn tới tình trạng khai thác đất, cát bừa bãi, trái phép, ảnh hưởng, hủy hoại môi trường nơi khác như tình trạng “cát tặc” thời gian vừa qua.

Các dự án có hoạt động lấn biển gây những tác động, ảnh hưởng đến sinh kế, việc làm, chỗ ở của người dân khu vực lấn biển; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục. Thực tế vừa qua cho thấy, có những dự án có hoạt động lấn biển mà chủ yếu là các dự án bất động sản đã “quây” mặt biển và đường ra biển như là “của riêng”, cản trở quyền tiếp cận của người dân với biển, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nơi đây, hạn chế tiềm năng du lịch biển.

Lấn biển là công việc phức tạp, các công trình lấn biển chịu sự tàn phá của gió, bão, nước biển dâng, chua mặn... nên đòi hỏi nhiều vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết.

Do đó, hoạt động lấn biển cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện tự nhiên, địa hình; mức độ, tốc độ xói lở, bồi tụ bờ biển; quá trình, yếu tố động lực vùng bờ, dòng chảy; xu thế biến đổi bờ biển, địa hình đáy biển khu vực lấn biển; các vấn đề về tài nguyên và môi trường; các tác động đến bờ biển, đến dân sinh, kinh tế, môi trường; giải pháp phòng, chống xói lở, bồi tụ bờ biển quanh khu vực lấn biển; các biện pháp thiết kế, thi công để giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, bảo đảm sự an toàn của công trình… Đây là những yêu cầu không thể thiếu của mỗi dự án có hoạt động lấn biển.

Bên cạnh đó, mỗi dự án có hoạt động lấn biển đều cần phải tính toán đến sự hài hòa về lợi ích giữa địa phương, nhà đầu tư và người dân. Việc điều tra, đánh giá, xác định các khu vực lấn biển cần phải được tiến hành toàn diện, nghiêm túc, chặt chẽ với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và phải được tính toán, xây dựng phương án tổng thể về hạ tầng, giao thông kết nối, hạ tầng dịch vụ thiết yếu (điện, nước, y tế, giáo dục...), dân cư, vấn đề quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do chưa thực hiện, giải quyết tốt các yêu cầu, vấn đề nêu trên nên một số dự án có hoạt động lấn biển đã gây tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở bờ biển; có dự án phải ngừng triển khai do chưa tính toán kỹ càng về kỹ thuật, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội; có dự án phải xem xét lại do ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; có dự án đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương khi triển khai. Tình trạng san lấp, lấn biển tràn lan, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch; lợi dụng, biến tướng các dự án được phê duyệt để tiến hành lấn biển trái phép; việc buông lỏng quản lý, không kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển diễn ra ở một số địa phương gần đây nổi lên một số vấn đề khá phức tạp như ở Quảng Ninh (Hạ Long, Cẩm Phả), Hải Phòng (Cát Bà), Thanh Hóa (Sầm Sơn), Khánh Hòa (Nha Trang), Đà Nẵng, Quảng Nam (Hội An), Hồ Chí Minh (Cần Giờ),...

 


[1] Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329ha; KĐT du lịch Hùng Thắng (Bãi Cháy - Quảng Ninh) rộng 224ha; KĐTM Halong Marina rộng 230ha; Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210ha, KĐT sinh thái biển Phương Trang New Town rộng 117ha (Đà Nẵng); Dự án Saigon Sunbay hơn 600ha (Cần Giờ, TP.HCM); KĐTM Rạch Giá (Kiên Giang) rộng 420ha…