Gỡ vướng trong xây dựng cơ chế đặc thù phát huy tối đa nguồn lực tài nguyên cho TP. Hồ Chí Minh

Tin tức - Sự kiện 24/11/2022

(TN&MT) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc đã có buổi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về nội dung kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Tham dự cuộc họp, về phía UBND TP. HCM có Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị có liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, ngày 18/10/2022, Đoàn công tác của Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM liên quan đến đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội và những kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn Thành phố.

_mg_1850.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp

Theo đó, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của Đoàn công tác và báo cáo, đề xuất của Sở TN&MT Thành phố, UBND Thành phố đã hoàn thiện các nội dung kiến nghị cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14.

Ông Bùi Xuân Cường cũng cho biết, đối với các vấn đề đưa vào dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, UBND TP.HCM đề nghị 12 nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai (thí điểm 10 nội dung, phân cấp 1 nội dung) và 5 nội dung liên quan đến lĩnh vực môi trường (thí điểm 3 nội dung, phân cấp 2 nội dung).

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, đối với lĩnh vực đất đai, UBND thành phố đề xuất,  kiến nghị cho Thành phố thí điểm xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố, trình HĐND Thành phố thông qua; trên cơ sở đó UBND ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất, không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất.

Đồng thời, cho Thành phố áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm… Bên cạnh đó, thí điểm cho Thành phố được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn.

Đề xuất cho UBND Thành phố thí điểm thực hiện thủ tục về thuê đất, thuê đất có mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện thủ tục thuê khu vực biển được quy định tại Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như hiện nay đối với các dự án về cảng biển; cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai công tác khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất…

Đối với lĩnh vực môi trường, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, UBND TP.HCM đề xuất cho phép UBND các cấp thí điểm được sử dụng hình ảnh vi phạm ghi nhận từ các thiết bị thu hình ảnh của các cá nhân, tổ chức như camera, smart phone, cameara giao thông, camera giám sát an ninh trật tự tại địa phương... để xử phạt trực tiếp vi phạm vệ sinh nơi công cộng vi phạm xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định. Đồng thời, thí điểm áp dụng biện pháp ngắt điện, ngắt nước công đoạn sản xuất trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả về bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, phân cấp cho Thành phố thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp Giấy phép môi trường đối với các dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với công suất trung bình. Đối với dự án nhóm A có cấu phần xây dựng được phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật đầu tư công, xây dựng và không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các dự án xử lý rác mới, UBND TP. HCM đề nghị cho Thành phố thí điểm được triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trong đó Thành phố giao đất, cho thuê đất trong các khu liên hợp xử lý chất thải đã được quy hoạch và đưa ra các yêu cầu về công suất, tiêu chí về công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, đơn giá và các yêu cầu khác có liên quan nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu đất được giao trong các khu liên hợp xử lý chất thải của Thành phố.

_mg_1866.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã trao đổi, thảo luận, đưa ra các giải thích cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị của UBND TP.HCM dựa trên pháp luật quy định của Luật Môi trường sửa đổi năm 2020 và dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Theo đó, đối với lĩnh vực đất đai, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai đã có những hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp cụ thể đối với các đề xuất liên quan đến việc cho phép thành phố thí điểm thực hiện áp dụng căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các cơ chế đặc thù cho phép Thành phố thí điểm gia hạn sử dụng đất đối với các trường hợp cụ thể và việc thí điểm bổ sung hình thức sử dụng đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện ch phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại;...

Đối với lĩnh vực môi trường, theo đại diện Tổng cục Môi trường, những đề xuất của UBND TP.HCM đã có quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 nên không cần đưa vào nội dung dự thảo Nghị quyết. 

_mg_1859.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân khẳng định, Bộ TN&MT luôn sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp cùng các địa phương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung và lĩnh vực đất đai nói riêng trên tinh thần đảm bảo quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Về các đề xuất các kiến nghị rất cụ thể, xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn phát triển của TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị lãnh đạo các đơn vị của Bộ TN&MT theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với các cơ quan tham mưu của Thành phố với tinh thần "TP Hồ Chí Minh vì cả nước" và "Cả nước vì TP Hồ Chí Minh" tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc để xây dựng cơ chế đặc thù nhằm phát huy tối đa nguồn lực tài nguyên, giúp cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho TP.HCM; tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Nguồn: Việt Anh, Báo điện tử tài nguyên và môi trường